Rác thải bủa vây cảng cá An Lương
VHO- Thời gian qua, tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng núi rác thải tại cảng cá An Lương (Quảng Nam) kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Rác thải ngập ngụa, bốc mùi hôi thối, “bức tử” môi trường khiến dư luận bức xúc; còn chính quyền địa phương nỗ lực tìm cách giải quyết vấn nạn này nhưng chưa thấm với đâu so với tình trạng ô nhiễm nặng nề.
Cảng cá An Lương luôn phải đối diện với tình trạng rác thải ngập ngụa, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường
Khu vực cảng An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong những cảng cá lớn, khu neo đậu cho hàng trăm tàu thuyền đánh bắt gần bờ của ngư dân các huyện Duy Xuyên, Hội An, Thăng Bình. Mỗi sáng sớm, hàng trăm tàu thuyền cập bến, vận chuyển, mua bán hải sản nhộn nhịp.
Tuy nhiên, suốt hàng chục năm nay, cảng cá này luôn phải đối diện với tình trạng rác thải ngập ngụa, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Tại khu vực ven tuyến bờ kè An Lương, ở các vị trí tàu thuyền neo đậu, các loại rác thải sinh hoạt, lục bình, bao ni lon, chai lọ nhựa, hộp xốp, thức ăn thừa, chất thải từ chế biến hải sản tại chỗ… nổi lềnh bềnh, dày đặc trên mặt nước, tấp vào các góc bờ kè, nằm phơi ra trên bờ, dưới chân cây cầu nhỏ trung chuyển hải sản từ dưới biển lên…
Ông Nguyễn Văn Nơi, một ngư dân có tàu đánh cá bắt neo đậu tại đây cho biết: “Rác thải, lục bình từ thượng nguồn xuôi theo dòng nước về hạ nguồn, cộng với lượng rác thải do hoạt động của cảng cá, chợ cá thải ra tấp cả vào cảng; nhiều người dân vô ý thức, cứ tiện tay là quăng khiến khu vực bờ kè chẳng khác nào bãi tập kết rác, kéo dài cả tuyến bờ kè dài hơn cây số. Rác thải dày đặc, kết thành từng đống trôi nổi trên mặt nước khiến tàu thuyền ra, vào cảng rất khó khăn”.
Đi vòng quanh khu vực bờ kè, khu neo đậu sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều đống rác thải tấp vô tội vạ vào các góc, không được thu gom, xử lý trông rất phản cảm. Một phụ nữ làm nghề thu nhặt ve chai ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên cho biết, chị thường đi dọc khu vực gần bờ để nhặt vỏ chai nhựa. Nhiều ngư dân quen tay sử dụng hết nước thì vứt ngay chai nhựa, túi nilon, kể cả ngư lưới cụ hư hỏng, thùng xốp, thức ăn thừa… xuống nước, ngay chỗ tàu neo đậu. Việc đi nhặt ve chai không chỉ giúp có thêm thu nhập, mà theo chị, cũng là một cách góp phần giảm bớt rác thải tấn công ngay chính môi trường sống của gia đình, làng xóm ở gần đó.
Rác thải, lục bình tràn ngập các khu vực neo đậu ở cảng cá, cá không được thu gom, xử lý
Không chỉ bị rác thải bủa vây, môi trường tại cảng cá An Lương còn bị “bức tử” bởi mùi hôi thối nồng nặc xả ra từ đường cống dẫn nước thải của khu dân cư và chợ cá gần đó. Chưa kể, do nơi đây là cảng cá lớn ở Quảng Nam nên mùi đặc trưng của hoạt động buôn bán, phơi phóng hải sản, hòa với mùi hôi thối của rác thải khiến môi trường nơi đây lúc nào cũng như “đặc quánh” lại.
Theo UBND xã Duy Hải, hiện các công nhân môi trường chỉ thu gom rác thải được tập kết cố định ven các tuyến đường dân sinh. Với rác thải dưới cảng cá, ven tuyến bờ kè An Lương thì địa phương thỉnh thoảng cũng thuê người thu gom đưa đi xử lý. Lâu lâu, các tổ chức đoàn và hội phụ nữ cũng huy động lực lượng ra quân thu gom, xử lý rác thải tại cảng, song đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Lượng rác mỗi ngày đổ về quá lớn nên khó lòng mà giải quyết triệt để, dứt điểm.
Không chỉ ở An Lương, thời gian qua, Văn Hóa cũng đã nhiều lần phản ánh tình trạng ùn ứ, tồn đọng rác thải sinh hoạt tại một số địa phương ở Quảng Nam, dẫn đến việc người dân bức xúc, đặt barie, dựng lều canh giữ, chặn không cho xe chở rác vào một số bãi rác quá tải, phản đối không cho xây dựng lò đốt rác thải vì lo ngại ô nhiễm môi trường…
Tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực triển khai nhiều kế hoạch, hoạt động cụ thể để xử lý vấn đề này, thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Tháng 6.2020, UBND tỉnh phê duyệt đề án quản lý chất thải rắn giai đoạn 2026-2030, theo đó, kinh phí dự kiến thực hiện đề án là 1.079,984 tỉ đồng, quy hoạch vị trí 29 khu xử lý chất thải rắn tại 17 huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích dự kiến là 169,78 ha… Đề án cũng đề ra mục tiêu đến năm 2022, mỗi huyện, thị, thành phố phải hình thành mặt bằng sạch ít nhất một khu xử lý chất thải rắn tập trung để xử lý chất thải trên địa bàn.
THU HOÀI