Quảng Ngãi xác định 5 khu vực cấm khai thác thủy sản ven bờ

VHO - Ngày 8.11, thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị này đã xác định được 5 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn gồm vùng ven bờ Bình Phú-Bình Châu (huyện Bình Sơn), vùng ven bờ Tịnh Khê-Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), vùng ven bờ Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Châu (thị xã Đức Phổ), vùng ven biển phía Nam đảo Lý Sơn và vùng biển ven thị xã Đức Phổ.

Quảng Ngãi xác định 5 khu vực cấm khai thác thủy sản ven bờ - Anh 1

Quảng Ngãi đã xác định 5 khu vực cấm khai thác thủy sản ven bờ có thời hạn

Nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã xác định 5 khu vực cấm khai thác thủy sản ven bờ có thời hạn với quy mô diện tích khoảng 35.468ha, chiếm 12,4% diện tích vùng biển ven bờ.
Theo kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và nghề cá thương phẩm tỉnh Quảng Ngãi, Sở NN%PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã xác định được 5 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn gồm vùng ven bờ Bình Phú-Bình Châu (huyện Bình Sơn), vùng ven bờ Tịnh Khê-Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), vùng ven bờ Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Châu (thị xã Đức Phổ), vùng ven biển phía Nam đảo Lý Sơn và vùng biển ven thị xã Đức Phổ.
Xác định 1 khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản là tại Gành Yến, đây là nơi có hệ sinh thái rạn san hô quan trọng, quy mô 4ha, tương đối nguyên sơ, độ phủ san hô khoảng 20-30%. Hiện nay vùng ven bờ biển phía Bắc của Gành Yến có dải san hô khoảng 30-40ha đang bị suy thoái mạnh và đan xen với hệ sinh thái rong biển. Nơi đây ghi nhận 40 loài nguy cấp, quý, hiếm, phân bố trong hệ sinh thái rạn san hô.

Quảng Ngãi xác định 5 khu vực cấm khai thác thủy sản ven bờ - Anh 2

Hệ sinh thái rạn san hô

Tại đảo Lý Sơn có 1 khu bảo tồn biển Lý Sơn được thực hiện trên phạm vi 7.925ha, trong đó diện tích mặt nước biển 7.113ha, đã được thành lập, vùng biển Lý Sơn được đánh giá là một trong những vùng biển có độ đa dạng sinh học cao, với hệ sinh thái điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển và nhiều hải sản quý hiếm.
Trong những năm qua, nguồn lợi hải sản ở vùng biển Quảng Ngãi đang chịu áp lực khai thác cao, vượt quá mức cho phép và ảnh hưởng đến suy giảm nguồn lợi, đặc biệt các nhóm 5 đối tượng hải sản kinh tế. Tổng số có 20 loài hải sản kinh tế quan trọng được đánh giá áp lực khai thác, trong đó 20% các đối tượng chịu áp lực khai thác ở mức rất cao (cá ngừ ồ, cá phèn khoai, mực ống Trung Hoa, tôm sắt cứng), 35% đối tượng chịu áp lực khai thác cao (cá nục thuôn, cá trích xương, cá cơm sọc xanh, cá sòng gió, cá ngừ sọc dưa, cá đục bạc, cá đù mõm nhọn), 45% số đối tượng chịu áp lực ở mức trung bình (cá nục sồ, cá ngân, cá ngừ chù, cá trách ngắn, cá mối thường, cá mối hoa, mực ống Ấn Độ, ghẹ 3 chấm) và không có đối tượng nào ở mức thấp.
Do đó, Sở NN&PTNT thiết lập, vận hành và thực thi hiệu quả 5 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, 1 khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản Gành Yến và 1 khu vực bảo tồn biển Lý Sơn. Đồng thời, đề xuất thí điểm quy định cấm biển 1 tháng từ 1-5 đến 30-5 ở vùng biển ven bờ, cấm khai thác có thời hạn 3 tháng từ 1-3 đến 30-5 đối với các loại nghề có mức xâm hại cao (nghề lưới kéo, pha xúc, chụp mực, mành, lưới vây). Đây cũng là thời điểm mùa sinh sản chính của các loài thủy sản tập trung tháng 3, tháng 4.
Sở NN&PTNT cũng đưa ra các giải pháp về cơ chế, chính sách, trong đó, xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác từ loại nghề cấm, nghề xâm hại, nghề lưới kéo... sang loại nghề thân thiện nguồn lợi và môi trường sinh thái đảm bảo đời sống, kinh tế xã hội của cộng đồng ngư dân ven biển.
Xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian thực hiện cấm biển 1 tháng ở vùng biển ven bờ và cấm khai thác có thời hạn 3 tháng đối với các loại nghề có mức xâm hại cao.

NHƯ ĐỒNG

 

Ý kiến bạn đọc