Người dân ở "thủ phủ cau" miền núi Sơn Tây trắng tay sau bão Noru

VHO- Giá cau đang ở mức cao, nhiều vườn cau có thể mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Song, bão số 4 quét qua đã khiến cau ngã đổ la liệt. Những mảnh vườn “trăm triệu” của bà con đồng bào Cadong ở miền núi huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi tan hoang.

Người dân ở

Những buồng cau xanh tốt của gia đình anh Đinh Văn Chẻ bật gốc nằm la liệt

Hàng trăm cây cau của gia đình anh Đinh Văn Chẻ ở thôn Gò Lã, xã Sơn Dung (Sơn Tây) đang cho trái, nhưng bão số 4 quét qua quật ngã nằm la liệt. Cau xanh tốt, buồng chi chít trái non đều bật gốc hoặc gãy ngang thân. Anh Chẻ “lụi cụi” tìm xem có buồng cau nào bán được cho thương lái để vớt vát lại được đồng nào hay đồng đó, nhưng chỉ đọng lại những giọt nước mắt đầy thất vọng bởi cau còn quá non không thể bán được. “Cau nhà tôi trồng được 15 năm rồi, giờ ngã hết, cuộc sống gia đình chỉ biết trông chờ vào số cau đó, giờ không biết sống làm sao”, anh Chẻ buồn nói. 

Người dân ở

Anh Đinh Văn Dương đang ngồi buồn rầu nhìn diện tích cau mình kỳ vọng đem lại kinh tế cho gia đình giờ ngã, gãy

Anh Đinh Văn Dương ở Sơn Dung dự tính lấy nguồn kinh phí từ cau để mở rộng đầu tư làm ăn phát triển kinh tế, lo cho con cái học hành, nay anh đành phải gác lại.  Nhìn vườn cau cho đầy quả, lớn lên từng ngày bị bão số 4 làm bật gốc, gãy không thu lại được đồng nào anh chỉ biết thẫn thờ. Xót xa hơn nữa là từ khi trồng đến lúc cây cau cho trái phải mất 7 – 8 năm. Cây cau đã cho thu hoạch kéo dài có thể lên đến trên 20 năm. Mấy năm qua, giá cau tăng cao nên gia đình anh ra sức chăm bón. Thế nhưng bão số 4 đã cuốn đi bao công sức của gia đình anh cũng như bao gia đình khác ở thôn Gò Lã chỉ trong một đêm. “Bây giờ biết làm sao nữa, trái này còn khoảng 1 tháng nữa mới hái mà cây gãy hết, người dân chúng tôi mất trắng, cây đây là cây lâu năm, bây giờ trồng lại rất khó, bà con rất là buồn”, anh Dương bộc bạch.

Người dân ở

Diện tích cau gãy khoảng 1 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch

Ông Đinh Văn Mù thôn Gò Lã, xã Sơn Dung đã sống ở thôn này 85 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh gió bão mạnh làm xới tung những gốc cây cau đã 15, 20 năm tuổi, cau nằm chồng chéo, buồng cau trĩu quả nhưng không thu được đồng nào như thế này. “Cây cau của dân gãy hết, chưa đến ngày thu hoạch, kinh tế của dân ở đây chủ yếu nhờ cây cau, keo, mỳ mà bị thiệt hại hết”, ông Mù nói.

Người dân ở

Cau có giá có lúc lên đến trên 40.000 đồng/kg

Theo ông Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch UBND xã Sơn Dung, bão số 4 vừa qua, diện tích cau của bà con trong thời kỳ cho quả đã bị thiệt hại nặng. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng tăng cường lực lượng xuống hỗ trợ cho bà con khắc phục hậu quả. Trong thời gian đến, cũng khuyến khích bàn con trồng lại diện tích cau bị thiệt hại. Đồng thời, mong cấp trên xem xét có nguồn kinh phí hỗ trợ giống cau cho bà con để mà khôi phục lại cái diện tích bị thiệt hại. “Để trồng được cây cau cho trái ít nhất là khoảng 7 năm và cây cau cho trái kéo dài. Những năm gần đây, cau có giá có lúc lên đến trên 40.000 đồng/kg, đồng bào ở xứ sở ngàn cau, xem cây cau là một trong những nguồn thu nhập chính. Bão số 4 đi qua gây cho hàng nghìn cây cau bị ngã, gãy khó khăn chồng chất khó khăn cho đồng bào nghèo nơi “thủ phủ” ngàn cau này”, ông Trí bày tỏ.

Người dân ở

Cau gãy, ngã khó khăn chồng chất khó khăn cho đồng bào nghèo nơi “thủ phủ” ngàn cau

Theo số liệu thống kê, toàn huyện Sơn Tây hiện có khoảng hơn 1.000ha cau, trong đó, xã Sơn Dung có diện tích lớn nhất với gần 325ha, các xã có diện tích ít hơn là Sơn Bua, Sơn Lập, Sơn Liên…Bão số 4 đã làm khoảng 40ha cau đang cho trái của người dân ở các xã như Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Dung…bị thiệt hại. “Huyện vẫn đang tiếp tục thống kê cụ thể số lượng thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ phù hợp”, ông Phạm Hồng Khuyến - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây chia sẻ.

NHƯ ĐỒNG
 

Ý kiến bạn đọc