Đổi pin lấy cây tại “Nhà nhiều lá”
VHO- Với mỗi viên pin đã qua sử dụng, nếu không được xử lý đúng cách thì sẽ gây ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong 50 năm. Hiểu được những tác hại nghiêm trọng đó, các bạn trẻ của dự án “Nhà nhiều lá” đã tổ chức những hoạt động nhằm thu gom pin cũ như: “Đổi pin lấy cây”, “Giải cứu pin cũ”… tại TP.HCM vào các dịp cuối tuần.
Hoạt động “Đổi pin lấy cây” cho thấy được tinh thần, trách nhiệm của người trẻ với chính môi trường sống hiện nay
Pin được liệt vào danh mục rác thải độc hại, lượng thủy ngân có trong một viên pin là rất lớn. Thông thường, khi pin không còn giá trị sử dụng, mọi người sẽ có thói quen vứt bừa bãi hoặc bỏ chúng vào thùng rác gia đình, để rồi chúng sẽ được xử lý bằng hai phương pháp: chôn lấp hoặc đốt. Nếu chôn lấp, các kim loại nặng này thấm vào đất và nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước. Còn khi đốt, các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc hoặc đọng lại trong tro gây ô nhiễm không khí. Do đó, pin và rác thải điện tử nếu không được thu gom và xử lý đúng cách, sẽ ảnh hưởng một cách toàn diện tới môi trường và con người cả trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người như: Tổn thương não, còi xương chậm lớn ở trẻ, huyết áp cao đối với người lớn, tổn hại máu và xương, thậm chí là vô sinh và giảm đi các chức năng của thận… Nhận thức được những tác hại vô cùng nguy hiểm ấy, những năm qua “Nhà nhiều lá” đã tổ chức hoạt động “Đổi pin lấy cây”, thu gom pin cũ, hư hỏng, đã qua sử dụng như pin con ó, pin đại, pin tiểu, pin điện thoại… Theo đó, cứ 5 viên pin cũ, khách sẽ đổi được một chậu sen đá nhỏ do các bạn tự tay trồng. Những viên pin cũ sau khi được thu gom sẽ được chuyển đến một công ty môi trường để xử lý độc tố và tái chế thành gạch sinh thái.
Trong 2 năm qua, “Nhà nhiều lá” đã thu gom và tái chế hơn 250.000 viên pin các loại cùng hơn 9.000 kg giấy thải. Anh Hoàng Quý Bình, người khởi xướng dự án chia sẻ: “Thông qua chương trình, chúng mình mong muốn mọi người sẽ hiểu hơn về tác hại của pin cũng như có những hành động thiết thực hơn cho môi trường và chính việc tặng cây có thể tạo cho mọi người thói quen tiêu dùng xanh”.
Bên cạnh đó, “Nhà nhiều lá” không chỉ có các hoạt động về môi trường, mà còn là không gian chia sẻ cộng đồng, đặc biệt là với sinh viên học sinh, với 3 mảng: Văn hóa đọc, giáo dục, môi trường. “Nhà nhiều lá” cũng tổ chức được một thư viện nho nhỏ với hơn 2.000 đầu sách các thể loại như văn học, tiểu thuyết, tư duy, sức khoẻ, ngoại văn và truyện thiếu nhi. “Tất cả sách ở đây thuộc về khách. Các bạn được mượn đọc miễn phí và chỉ ký gửi bằng niềm tin. Khách có thể đến để đọc hoặc mượn về mà chỉ cần chụp ảnh sách, kèm số điện thoại và hạn mượn là xong”, Quý Bình chia sẻ thêm.
Có thể thấy, hoạt động “Đổi pin lấy cây” đã và đang góp phần hình thành thói quen không vứt chất thải nguy hại bừa bãi ra môi trường, nâng cao ý thức cho cộng đồng trong việc tái sinh các sản phẩm pin đã hết niên hạn sử dụng cũng như phân loại rác thải điện tử. Đặc biệt hơn, khi những hoạt động này luôn được khởi xướng từ chính các bạn trẻ, điều này cho thấy được tinh thần, trách nhiệm của người trẻ với chính môi trường sống hiện nay.
P.V