Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

T. QUANG

VHO - Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão - ảnh 1
Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới đang tiến sát Biển Đông.

Hồi 4 giờ ngày 18.9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25km/h.

Đến 4 giờ ngày 19.9 áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, mạnh lên thành bão. Tâm áp thấp nhiệt đới vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông. Vùng bị ảnh hưởng thuộc vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực Hoàng Sa); vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 8 giật cấp 10.

24 giờ tiếp theo, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình đến Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 8 giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/ giờ.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Do ảnh hưởng của bão khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74 km/ giờ), giật cấp 10 (89-102 km/ giờ), sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão 3-5 m, biển động mạnh.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Trên đất liền từ gần sáng và ngày 19.9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74 km/ giờ), giật cấp 10 (89-102 km/ giờ); sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.

Từ ngày 18.9 đến 20.9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Từ ngày 18.9 đến ngày 19.9, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80 mm, có nơi trên 150 mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).

Từ trưa ngày 18.9 đến đêm 19.9, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm.

Từ đêm 18.9 đến đêm 19.9, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, cục bộ có nơi trên 180 mm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70 mm, cục bộ có nơi trên 120 mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).

Cảnh báo từ ngày và đêm 20.9, khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 200 mm. Mưa lớn ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 21.9. Từ ngày 20.9, mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng giảm dần.

Nhằm chủ động đối phó khả năng áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, ngày 17.9, Thủ trướng Chính phủ đã có Công điện, yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai có thể ảnh hưởng đến phạm vi quản lý của ngành, địa phương, trong đó

tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển.

Rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân, vận hành khoa học, an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi.

Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu...