Phòng ngừa lao động trẻ em - Bài 2: Đừng để bé thành lao động trẻ em trong chính gia đình mình

VHO- Để xảy ra tình trạng lao động trẻ em một phần do nghèo đói, một phần do nhận thức, trong đó có nhận thức của bố mẹ. Không ít bé thành lao động trẻ em do chính bố mẹ của trẻ không nhận ra công việc tạo ra thu nhập như vậy là vi phạm pháp luật, là cướp đi tương lai của chính con mình.

Cha mẹ liên đới không ít đến việc để trẻ thành lao động trẻ em

Cách đây không lâu, cư dân mạng truyền nhau thông tin về anh tài xế gặp lại người mẹ đưa đứa trẻ ăn xin trên cầu Thanh Trì (Hà Nội) với lý do xin tiền về quê bốn năm trước. Và lần này  anh lại mời hai mẹ con lên xe của mình. Người phụ nữ dường như không nhận ra ân nhân cũ và cho biết muốn đi về Lạng Sơn nhưng không có tiền đành phải vẫy xe đi nhờ. Lúc này, anh tài xế mới nói bốn năm trước anh đã cho đi nhờ và cho tiền; biết bị lộ và nhận ra người quen, người mẹ này quanh co nói dối rằng lại lên Hà Nội có việc. Nhưng khi anh tài xế nói, rất nhiều người đã gặp và giúp chị còn chị chuyên đi nhờ xe ở khắp các cây cầu ở Hà Nội suốt mấy năm nhưng chưa về được quê đúng không? Tại sao làm mẹ mà lại lấy con mình ra để lợi dụng lòng tốt của nhiều người cho tiền như vậy? Sau một hồi khuyên nhủ, anh tài xế tốt bụng đã mời hai mẹ con xuống xe và hy vọng người phụ nữ này sẽ suy nghĩ lại đừng làm khổ đứa bé nữa.

Phòng ngừa lao động trẻ em - Bài 2: Đừng để bé thành lao động trẻ em trong chính gia đình mình - Anh 1

Người mẹ dùng con để lợi dụng lòng tốt, xin tiền của tài xế - bốn năm chưa về tới quê

Một trường hợp khác là diễn viên T.M mới 13 tuổi đã trực tiếp đóng cảnh “nóng”, “giường chiếu” với diễn viễn Vũ Long (phim Vợ Ba) đã dẫn đến tranh cãi nhà sản xuất có sử dụng lao động trẻ em không? Có ý kiến cho rằng, trẻ em dưới 13 - 15 tuổi được phép tham gia một số công việc, đặc biệt là trong hoạt động nghệ thuật như biểu diễn, điện ảnh. Tuy nhiên trong pháp luật về lao động còn có những quy định khác như không được phép sử dụng vị thành niên vào những công việc ảnh hưởng đến sự phát triển của người chưa thành niên, trẻ em, cũng như là tác động xấu đến sự phát triển về tình cảm, đạo đức của các em. Ban đầu mẹ của diễn viên Trà My cũng “ái ngại” với diễn xuất trên nhưng cuối cùng cũng “tặc lưỡi” bỏ qua vì cho rằng đây là cơ hội tốt để con gái đến với điện ảnh và công chúng.

Việc lợi dụng trẻ em để ăn xin, kiếm tiền không chỉ xảy ra ở Hà Nội, TP.HCM mà ở nhiều tỉnh, thành. Người dân TP Huế quá quen thuộc với hình ảnh cậu bé chừng 5 tuổi, sáng sớm nào cũng đi khắp các hàng quán dọc đường Nguyễn Trường Tộ để ăn xin. Đồng hành với bé là một phụ nữ trẻ đi xe máy hoặc một bé gái chừng 16 tuổi đi xe đạp chở em đến rồi đứng chờ. “Cháu bé bị bắt đi chân đất, liên tục ngáp vì còn ngái ngủ. Da đen ngăm, người gầy gò cảm giác rất thiếu sức sống. Nếu hỏi đi với ai, lúc nó trả lời là mẹ chở đến, lúc là chị chở đến...” một người dân cho hay.

Phòng ngừa lao động trẻ em - Bài 2: Đừng để bé thành lao động trẻ em trong chính gia đình mình - Anh 2

Người dân TP Huế quen thuộc với hình ảnh đứa trẻ chân trần ăn xin từ sáng sớm

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), có hai nguyên nhân chính dẫn đến lao động trẻ em là do nghèo đói và nhận thức xã hội, trong đó có nhận thức của các bậc cha mẹ, nhận thức của người chăm sóc trẻ và nhận thức của chính trẻ em về tác hại của lao động trẻ em. “Độ tuổi của trẻ quá nhỏ để làm việc, thời gian làm việc quá dài hoặc bản chất công việc sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm. Khi đó, tâm lý, sự phát triển và sức khỏe thể chất của trẻ sẽ bị đe dọa. Những rủi ro về sức khỏe và sự phát triển của trẻ em do lao động trẻ em gây ra sẽ làm tổn hại các cơ hội trong cuộc sống của những thế hệ tương lai”, ông Đặng Hoa Nam nói.

Để trẻ không bị cướp đi tuổi thơ, cướp đi tương lai

Theo điều tra Quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 đã cho thấy hơn một triệu trẻ đang tham gia lao động trẻ em, tương đương với 1/10 trẻ em ở Việt Nam. 7 trong số 10 trẻ này làm nông nghiệp và số còn lại chủ yếu tham gia hoạt động sản xuất, xây dựng và dịch vụ. Cuộc điều tra cho thấy 42% trẻ em lao động không đi học và 34% đang làm việc trên 42h/tuần Hơn nữa, nhiều trẻ em lao động ở ngoài trời và trong nhũng khu vực phi chính thức, khó tiếp cận, có nguy cơ bị tai nạn, nhiệt độ khắc nghiệt và môi trường độc hại.

Các nghiên cứu thế giới về lao động trẻ em đều chứng minh rằng lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp chính là nơi mà trẻ em có nguy cơ bị bóc lột sức lao động ở lao động trẻ em nhất. Mục tiêu của ngày Phòng chống lao động trẻ em năm 2019 là giảm nguy cơ trẻ em trở thành lao động trẻ em ngay ở chính quê hương và trong gia đình của mình. Chính phủ ngày càng có nhiều chính sách bảo vệ trẻ em trong đó có về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, đã giúp làm giảm tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam. “Chúng ta phải làm thế nào mà mọi trẻ em đều được hưởng các quyền được có tuổi thơ của mình, không bị đưa đi làm việc sớm. Lao động trẻ em đã cướp đi tuổi thơ của các em, cướp đi cơ hội được đi học, cướp đi cơ hội có thể có những công việc tốt đẹp trong tương lai”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Phòng ngừa lao động trẻ em - Bài 2: Đừng để bé thành lao động trẻ em trong chính gia đình mình - Anh 3

Trẻ em phải được học hành, vui chơi để tuổi thơ, tương lai của các bé không bị cướp đi

Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em tham gia lao động đều là lao động trẻ em, như những công việc hằng ngày rửa bát, quét nhà, hoặc tham gia sản xuất trong gia đình đúng thời gian, điều kiện quy định của pháp luật mà không làm ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ, không gây hại cho trẻ… "Trẻ em có quyền được giáo dục, được đi học. Nếu cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng con mình thì chúng ta đều có chính sách của nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện đóng góp để chăm sóc và nuôi dưỡng các em. Chúng ta có hệ thống Trung tâm bảo trợ xã hội ở khắp các tỉnh thành và có những chế độ, chính sách rất tốt để đảm bảo quyền lợi cho trẻ”, Cục trưởng Cục trẻ em nói.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 cho biết, hiện nay Trung tâm đang nuôi dưỡng 41 trẻ, chủ yếu là trẻ lang thang, xin ăn, không có địa chỉ rõ ràng. So với những năm 2004 – 2006, số lượng trẻ thường ở mức hon 100 cháu, và chủ yếu là lao động như bưng bê, rửa bát, đánh giầy… “Các cháu vào Trung tâm không phải tham gia sản xuất, được đi học hòa nhập tại cộng đồng, nếu cháu nào nhận thức kém, bộ não chậm phát triển thì được các mẹ dạy trong Trung tâm. Năm nay có hai cháu học lớp 12 thì một cháu đỗ ĐH Sân khấu điện ảnh, một cháu đỗ ĐH Luật”, ông Bằng khoe.

"Việt Nam đã cam kết chấm dứt mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025, điều này đòi hỏi luật pháp và chính sách quốc gia liên quan đến lao động trẻ em phải được rà soát và sửa đổi để đảm bảo sự gắn kết, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các chiến lược nâng cao nhận thức, năng lực, hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, tiếp cận giáo dục cho các gia đình cần sự trợ giúp".

 (TS Chang - Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam)

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc