Yếu tố nào tác động lên giá hàng hóa cuối năm?
VHO - Giá vàng, giá nhà, tỷ giá, giá điện tăng... dù trực tiếp hay gián tiếp đều tác động đến thị trường hàng hóa. Năm 2024 đang tiến dần tới điểm cuối và Tết Nguyên đán cũng không còn xa, bức tranh giá cả sẽ ra sao?
Theo quy luật, vào những tháng cuối năm và dịp lễ, Tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng. Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực lên doanh nghiệp, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng. Do đó, cần có những biện pháp “hạ nhiệt” cũng như kiểm soát giá.
Tâm lý “giá cả theo vàng”
Tính từ đầu năm, giá vàng nhìn chung theo hướng đi lên. Nhất là trong tháng 10, cả giá vàng miếng lẫn vàng nhẫn leo thang chóng mặt. Con số 90 triệu đồng/ lượng (bán ra) đã không còn là “ác mộng” mà gần như đã là thực tế.
Có vẻ như giá vàng tăng không ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả song tâm lý “giá cả theo vàng” là có thật. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp để hạn chế bớt sức nóng của giá vàng, nhưng vẫn không kìm được đà tăng.
Trước hết là do giá vàng nguyên liệu của thế giới tăng, khi vàng tiếp tục được xem là một tài sản quan trọng để phòng ngừa rủi ro, cũng như một “hầm trú ẩn” an toàn. Giám đốc phụ trách giao dịch kim loại của Công ty High Ridge Futures ông David Meger, cho rằng từ nay đến cuối năm, giá vàng sẽ còn tiếp tục biến động. Tính từ đầu năm cho tới hết tháng 10, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 33% và có gần 40 lần lập kỷ lục. Gần đây, giá vàng đương đầu với áp lực giảm từ xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD, nhưng điều đó không cản được việc giá vàng lập đỉnh mới.
Tác động từ thị trường thế giới lên giá kim loại quý trong nước là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, rất đáng nói là ở thời điểm hiện tại, giá vàng trong nước vẫn chênh với giá vàng thế giới gần 4 triệu đồng/lượng. Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), để ổn định thị trường vàng thì phải làm sao để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới; cùng đó là xem xét thành lập sàn vàng. Ông Ngân cho rằng, thành lập sàn giao dịch vàng còn giúp cho việc quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả, theo đúng xu hướng của thế giới.
Có hóa giải được điểm nghẽn bất động sản?
Giá một loại “hàng hóa” khác cũng tác động rất mạnh tới thị trường, chính là giá nhà. Suốt thời gian qua, giá nhà nói chung, giá căn hộ chung cư tăng mạnh. Hiện tượng “thổi giá”, “giá ảo” khiến thị trường bất động sản (BĐS) căng thẳng, rất cần giải pháp kiểm soát giá để đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng giá nhà tăng cao là do biến động của nền kinh tế liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng... tác động đến tâm lý của người dân, nhà đầu tư, dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền của người dân, nhà đầu tư sang đầu tư BĐS như một cách tìm nơi “trú ẩn”.
Chính vì thế Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ 9 giải pháp cụ thể. Trong đó có việc hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu sát tình hình thực tế khu vực, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ. Cùng đó là có chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Một giải pháp nữa cũng rất đáng chú ý khi Bộ Xây dựng đề xuất là hạn chế tác động tiêu cực của việc ban hành bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 đến mặt bằng giá đất, giá nhà, đến cung cầu của thị trường BĐS. Cùng đó là thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch BĐS và quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý” nhằm hạn chế tình trạng sàn giao dịch BĐS, hoạt động môi giới BĐS có thể cấu kết gây nhiễu loạn thị trường...
Những đề xuất của Bộ Xây dựng được cho là nỗ lực nhằm “hóa giải” điểm nghẽn BĐS, trong đó có giá nhà. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia theo quy luật “thuận mua, vừa bán” thì cũng khó có thể nói sẽ sớm làm thị trường dịu bớt nóng. Vấn đề cốt yếu phải là phát triển nhanh hệ thống nhà ở xã hội giá rẻ, nhất là với các đô thị lớn.
Tỷ giá và sức ép lên tiền đồng
Vấn đề không phải là sự quan tâm rộng rãi nhưng thực ra lại ảnh hưởng sâu tới nền kinh tế. Tới nay, khi đã vào giai đoạn nước rút cuối năm và chuẩn bị Tết thì mối quan tâm về tỷ giá đã trở lại, nhất là trong bối cảnh thị trường tiếp tục chịu sức ép từ diễn biến các đồng ngoại tệ mạnh.
Quan sát thị trường ngoại hối cho thấy, dường như chuẩn bị có đợt biến động mới, khi tỷ giá bất ngờ tăng mạnh từ giữa tuần trước. Ngân hàng Vietcombank chào giá bán 25.462 đồng/USD vào chiều ngày 23.10, trong khi thị trường tự do chào bán quanh mức 25.742 đồng/USD. Tỷ giá liên ngân hàng cũng tăng mạnh trong thời gian qua, quanh vùng 25.000 đồng/ USD (tương đương mức tăng 2,9% so với cuối tháng 9 và 3,7% so với cuối năm 2023, theo báo cáo cập nhật của Công ty chứng khoán SSI). Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Maybank, tiền đồng (VND) chịu sức ép trong bối cảnh chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng đô-la Mỹ với rổ ngoại tệ mạnh khác) đang tăng lên trong thời gian qua. Điều đó đang tạo ra áp lực mạnh hơn đối với xu hướng tỷ giá trong nước. Cùng với diễn biến tăng giá trên thị trường thế giới, nhu cầu về đồng đô-la vào cuối năm thường được cho là tăng lên theo mùa vụ, từ đó gây sức ép ngắn hạn đến thị trường ngoại hối của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán (HSBC Việt Nam), áp lực tỷ giá thường mang tính thời điểm. Nhưng ông Khoa cũng cho rằng sẽ khó đoán định được sức ép tỷ giá lớn như thế nào và kéo dài hay không, đặc biệt là trong bối cảnh rất khó đoán định biến số từ thế giới. Lạc quan hơn, nhóm phân tích đến từ Maybank cho rằng áp lực tỷ giá lần này sẽ không kéo dài, do đó có thể tin vào kịch bản tiền đồng sớm ổn định so với đô la Mỹ trong thời gian tới và Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Còn theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường (Công ty Chứng khoán KB Việt Nam), dự báo tỷ giá thời điểm cuối 2024 mức 25.120 VND/USD; tăng 3,5% so với đầu năm.