Xu hướng mua vàng nội địa từ mỏ vàng trong nước
VHO - Trong bối cảnh giá vàng tăng cao và bất ổn địa chính trị lan rộng, ngày càng nhiều ngân hàng trung ương đang chuyển hướng sang mua vàng trực tiếp từ các mỏ trong nước.

Ba lợi ích
Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), một loạt quốc gia có sản lượng khai thác vàng đáng kể như Ghana, Zambia, Tanzania, Mông Cổ, Colombia và Philippines đang đẩy mạnh mua vàng nội địa thay vì thông qua các thị trường quốc tế truyền thống như London.
Theo Reuters, tháng 4 vừa qua, Ghana đã ký thỏa thuận với các công ty khai thác trong nước để mua lại 20% sản lượng vàng của họ. Từ tháng 9 năm ngoái, Tanzania đã yêu cầu tất cả nhà xuất khẩu vàng, gồm thợ mỏ và thương nhân, phải dành ít nhất 20% vàng để bán cho ngân hàng trung ương. Philippines là quốc gia hiếm hoi sở hữu nhà máy tinh luyện vàng đạt chuẩn London Good Delivery (LGD), cho phép vàng nội địa được sử dụng trực tiếp như tài sản dự trữ chuẩn quốc tế. Theo WGC, gần 95% trong số 73 ngân hàng trung ương được khảo sát cho rằng xu hướng gia tăng dự trữ vàng sẽ tiếp tục trong năm tới, trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa có nhiều tín hiệu phục hồi vững chắc, lãi suất, nợ công và rủi ro địa chính trị vẫn hiện hữu.
Một động lực hấp dẫn khác để mua vàng trong nước là tính linh hoạt về tiền tệ. Thông thường, các ngân hàng trung ương mua vàng qua thị trường quốc tế với giá niêm yết bằng ngoại tệ mạnh. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng phải đổi một loại dự trữ này lấy một loại dự trữ khác. Bên cạnh đó, họ phải chịu thêm các chi phí vận chuyển, tinh luyện và bảo quản. Trong khi mua vàng từ các mỏ trong nước không chỉ giúp tiết kiệm, mà còn tạo thêm dư địa để tích trữ vàng mà không làm ảnh hưởng đến các nguồn dự trữ ngoại hối, vốn đang trở nên nhạy cảm khi kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.
Giá vàng đã tăng mạnh, liên tục lập đỉnh mới. Theo dữ liệu từ Tập đoàn Giao dịch chứng khoán London (LSEG), giá vàng giao ngay hiện đang giao dịch ở mức 3.328,3 USD/ounce, tăng gần 27% từ đầu năm đến nay. Các ngân hàng trung ương mua vàng miếng từ các mỏ địa phương và có năng lực tinh luyện vàng LGD trong nước sẽ vô hiệu hóa những chi phí bổ sung khi giá vàng tăng. Ngân hàng trung ương Philippines là một nhà tinh luyện vàng LGD được chứng nhận. Kazakhstan có 2 nhà tinh luyện được Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London công nhận. Nga có 7 nhà tinh luyện cho đến khi chúng bị đình chỉ vào năm 2022 sau khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Các quốc gia khác như Ghana và Zambia có thể phải dựa vào các nhà tinh luyện bên ngoài, bù đắp một phần khoản tiết kiệm ban đầu.
Vũ khí tài chính
Với mức nợ toàn cầu gia tăng, rủi ro thương mại và địa chính trị đang hiện hữu, các ngân hàng trung ương muốn củng cố bộ đệm dự trữ để bảo vệ trước những cú sốc tài chính bất ngờ. Việc nắm giữ nhiều dự trữ hơn, dưới nhiều hình thức, sẽ cung cấp “vũ khí” để quản lý các cuộc khủng hoảng tiềm tàng.
Theo Financial Times, trong số 73 ngân hàng trung ương được WGC khảo sát, khoảng 95% cho biết họ kỳ vọng các ngân hàng trên toàn thế giới sẽ tăng dự trữ vàng trong năm tới. Việc mua vàng nội địa không đơn thuần là biện pháp tài chính, mà còn được xem là công cụ hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững tại các quốc gia đang phát triển. Nhiều quốc gia có tỷ lệ khai thác vàng quy mô nhỏ (ASGM) cao, với hàng trăm ngàn lao động phụ thuộc vào ngành này. Khi ngân hàng trung ương trở thành bên mua chính thức, người khai thác nhỏ lẻ có thể tiếp cận thị trường ổn định hơn, giảm phụ thuộc vào các kênh buôn lậu và các mạng lưới tội phạm.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức về kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc và quản lý môi trường. Theo truyền thống, các ngân hàng trung ương mua vàng thông qua thị trường phi tập trung toàn cầu, thường tập trung tại London, nơi vàng được giao dịch thông qua các ngân hàng vàng thỏi lớn, được định giá bằng USD, EUR hoặc bảng Anh. Những giao dịch này thường liên quan đến các thỏi vàng London Good Delivery (LGD) có độ tinh khiết cao, đáp ứng các tiêu chuẩn giao dịch toàn cầu và được lưu trữ trong các kho tiền hàng đầu như Ngân hàng Anh.
Ông Shaokai Fan cho rằng, sự tham gia của ngân hàng trung ương, với vai trò nhà mua lớn và đáng tin cậy, có thể giúp “chính quy hóa” chuỗi cung ứng vàng, thông qua các tiêu chuẩn minh bạch và quy trình xác thực nguồn gốc. Chiến lược khai thác và mua vàng nội địa không chỉ là giải pháp tài chính hiệu quả, mà còn là một hướng đi giúp củng cố chủ quyền tiền tệ, phát triển kinh tế địa phương và gia tăng khả năng chống chịu trước những biến động toàn cầu.
Theo ông Shaokai Fan, Giám đốc phụ trách mảng ngân hàng trung ương toàn cầu của WGC, việc mua vàng trong nước mang lại 3 lợi ích rõ rệt như chi phí thấp hơn, giảm phụ thuộc vào ngoại tệ và thúc đẩy ngành khai khoáng trong nước.
Theo KHÁNH HƯNG/Báo Sài Gòn Giải Phóng
Link bài viết gốc