Vì sao doanh nghiệp cần kinh doanh có trách nhiệm với trẻ em?
VHO- Trẻ em là người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ, là thành viên gia đình của các nhà quản trị doanh nghiệp lẫn người lao động, cũng là chủ doanh nghiệp và là người lao động tương lai. Lo cho trẻ em là lo cho lợi thế cạnh tranh và cho tương lai của chính doanh nghiệp.
Vì sao doanh nghiệp cần tăng cường trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh đối với trẻ em là câu hỏi lớn được đặt ra tại diễn đàn "Tái định hình doanh nghiệp có trách nhiệm: Vì một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em" chiều 27.11.
Các chuyên gia nhấn mạnh việc đầu tư cho trẻ em đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang đứng trước nguy cơ dân số “già trước khi giàu”. Trước sức ép dân số già hóa, để đạt được tầm nhìn đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao, buộc phải chăm lo cho trẻ em ngay từ bây giờ. Đó là cách giúp thế hệ tương lai đủ khả năng “gánh” các trọng trách khi lực lượng lớn tuổi không còn khả năng lao động.
Các diễn giả tại tọa đàm Mở rộng các chính sách môi trường làm việc thân thiện với các gia đình và các thực hành tốt tại nơi làm việc. Ảnh: Bích Trâm
Đặc biệt khi bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng biến động khó lường như hiện nay, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu tái định hình doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực. Trong đó, khái niệm “kinh doanh có trách nhiệm” càng được nhấn mạnh hơn bao giờ hết.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, người tiêu dùng ngày nay đang thay đổi thái độ, buộc các doanh nghiệp phải kinh doanh có trách nhiệm hơn. Mặt khác, sự cạnh tranh gia tăng khiến sự sống còn của doanh nghiệp phụ thuộc vào việc có đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chí về trách nhiệm xã hội hay không.
Theo đó, ý nghĩa của “kinh doanh có trách nhiệm” ngày càng mở rộng và sâu sắc hơn, chạm đến những lĩnh vực rất cụ thể như trách nhiệm với trẻ em. Việc có trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh đối với trẻ em nói riêng và chính sách môi trường làm việc thân thiện với các gia đình nói chung là giải pháp giúp các doanh nghiệp thích ứng với thời đại mới.
UNICEF Việt Nam ước tính có hơn 21 triệu trẻ em Việt Nam không thể đến trường trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch. Trong đó có nhiều trẻ em nghèo, người nhập cư, dân tộc thiểu số phải “đứng ngoài cuộc” trong xu hướng học tập trực tuyến và phải kiếm sống cho gia đình nên khó thể quay trở lại trường học.
“Trẻ em là ai? Là người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ, là thành viên gia đình của các nhà quản trị lẫn người lao động, là chủ doanh nghiệp và là người lao động tương lai. Lo cho trẻ em chính là lo cho tương lai của chính mình,” bà Phạm Chi Lan nhìn nhận.
Việc chăm lo cho trẻ giúp mang lại nhiều lợi ích kinh tế cụ thể cho doanh nghiệp, bao gồm tiết kiệm chi phí đào tạo và giữ chân nhân tài, thu hút người lao động bởi ưu thế tốt hơn các nhà tuyển dụng khác trên thị trường và tăng cường uy tín với đối tác nhãn hàng quốc tế xem trọng yếu tố phát triển bền vững.
Kết quả này từ báo cáo Chăm sóc trẻ em: Lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp hỗ trợ người lao động chăm sóc trẻ do tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ra mắt hồi tháng 8. Báo cáo nghiên cứu 6 doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam với gần 100.000 người lao động.
Một nhà trẻ dành cho con em người lao động. Nguồn: IFC
Đơn cử, việc xây nhà trẻ cho con cái nhân viên từ năm 2008 giúp tiết kiệm chi phí cho công ty Pou Chen Việt Nam (Đồng Nai) 947.000 USD mỗi năm. Hay tại công ty Greenland (Hải Phòng), những người có con được giữ tại nhà trẻ hoặc có người được hưởng lợi từ các chính sách thân thiện với gia đình của công ty, có đến 44% nhân viên có khả năng tiếp tục ở lại cống hiến lâu dài.
Về điển hình doanh nghiệp sản xuất có chính sách tốt cho trẻ em và người lao động tại TP.HCM, ông Phạm Chí Tâm, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết một trong những cái tên như công ty PouYuen Việt Nam với việc hỗ trợ trực tiếp vào tài khoản 150.000đ/tháng cho người lao động có con dưới 6 tuổi bất kể nam nữ. Hiện có hơn 20.500 trẻ em được hưởng chính sách này. Công ty còn có nhà trẻ giữ 500-700 trẻ cho nhân viên, đồng thời tổ chức các lớp học kỹ năng hàng tuần, bổ túc văn hoá, ngoại ngữ, tin học…
Tuy nhiên việc xây dựng nhà trẻ được xem là cam kết cao nhất của doanh nghiệp với trẻ em nhưng không phải là cách duy nhất. Nhiều doanh nghiệp còn thực hiện các biện pháp hỗ trợ linh hoạt khác như đầu tư phòng trữ sữa cho nữ nhân viên đang cho con bú, hợp tác với các cơ sở giáo dục địa phương để ưu tiên cho con em người lao động, hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường học gần công ty để mở rộng khả năng nhận giữ trẻ, mở các lớp đào tạo kỹ năng làm cha mẹ…
“Ưu thế lao động giá rẻ sẽ biến mất trong thời đại công nghệ, tăng chất lượng lao động là việc buộc phải làm ngay từ khi người lao động còn nhỏ, vì rất khó để tái lập trình một bộ não đã trưởng thành,” ông Colin Blackwell, chủ tịch phụ trách Nhân sự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) chia sẻ và khẳng định “các kỹ năng suy nghĩ, phân tích để giải quyết vấn đề không phải là “kỹ năng mềm” nữa mà sẽ là “kỹ năng sống sót”.
Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án thúc đẩy quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh trong doanh nghiệp, được phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) phối hợp thực hiện từ năm 2019-2021.
Theo Forbes Việt Nam