Quảng Ngãi nhận diện, tháo gỡ “điểm nghẽn” để phát triển kinh tế-xã hội
VHO - Các “điểm nghẽn” được tỉnh Quảng Ngãi nhận diện như cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng chưa đồng bộ, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch, công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn hạn chế, thị trường bất động sản trầm lắng…

Nhận diện rõ khó khăn
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (GRDP) ước đạt 41,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% và xếp thứ nhất toàn quốc. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 16,8 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi (cũ) đạt 15,1 nghìn tỷ đồng, tỉnh Kon Tum (cũ) đạt 1.731 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 30,1 nghìn tỷ đồng.
Tỉnh đã phê duyệt 9 đồ án quy hoạch phân khu theo quy định, tạo động lực phát triển KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 cho các địa phương. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), rà soát, đơn giản hóa TTHC, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh được đẩy mạnh.
Chuyển đổi số được chú trọng thực hiện trong tất cả các lĩnh vực. Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Công tác an sinh xã hội, y tế, chăm lo sức khỏe cho nhân dân được thực hiện có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang, bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để tháo gỡ.
Trong đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng chưa đồng bộ; sản phẩm công nghiệp còn thiếu đa dạng; một số ngành có tiềm năng như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao chưa hình thành được động lực tăng trưởng rõ nét.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch Tỉnh đề ra; một số dự án trọng điểm chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục đầu tư còn chậm.
Công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn hạn chế. Việc lập, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số địa phương còn bất cập; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, thiếu tính răn đe.
Quản lý tài nguyên, khoáng sản còn chưa chặt chẽ; tình trạng khai thác trái phép một số loại khoáng sản như đất, cát, sỏi... và vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn xảy ra tại một số địa phương, chưa được xử lý triệt để.
Thị trường bất động sản trầm lắng; số lượng nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất còn hạn chế; một số dự án triển khai chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thu tiền sử dụng đất và cân đối ngân sách. Thực tế này cho thấy công tác xúc tiến, sàng lọc, giám sát năng lực và tiến độ của nhà đầu tư sau đấu giá, đấu thầu còn chưa hiệu quả.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội còn một số hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn cao, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng giao thông, trang thiết bị dạy và học.
Chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa còn chênh lệch so với khu vực đô thị; tình trạng quá tải cục bộ tại một số bệnh viện tuyến tỉnh chưa được khắc phục triệt để…

Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các xã, phường, đặc khu khẩn trương bám sát công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2025.
Trong đó, khẩn trương rà soát, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu và kịch bản tăng trưởng năm 2025 của tỉnh Quảng Ngãi, đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Trung ương, phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.
Tập trung khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong thời gian qua; tăng cường sự phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm; phát huy vai trò người đứng đầu trong xử lý công việc liên ngành; nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, đề cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức và văn hóa công vụ trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng của bộ máy hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Khẩn trương rà soát các cơ chế, chính sách, quy định trên địa bàn tỉnh để trình cấp thẩm quyền xem xét, cho ý kiến áp dụng chung trên địa bàn tỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Với điều kiện nguồn lực có hạn trong khi nhu cầu đầu tư lớn, cần đầu tư trọng tâm trọng điểm, tạo nguồn lực dẫn dắt, tránh đầu tư dàn trải.

Tập trung rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, đồng bộ, hiệu quả cho cả trước mắt và lâu dài, tránh trường hợp phải điều chỉnh, bổ sung cập nhật nhiều lần; nghiên cứu ban hành Bảng giá đất mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2026.
Thực hiện quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, đảm bảo theo đúng kế hoạch đề ra.
Đặc biệt là dự án, công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI nhiệm kỳ 2025 – 2030, chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh đất nước và các dự án trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn tỉnh…
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút, hỗ trợ đầu tư; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có tính quy mô, tính lan tỏa lớn trên địa bàn tỉnh.
Tập trung phát triển du lịch với những giải pháp đột phá để phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh mà hạt nhân Trung tâm du lịch biển - đảo Lý Sơn, khu du lịch Măng Đen và du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng gắn với phát triển các sản phẩm đặc thù, có tiềm năng, lợi thế theo vùng, miền (như Sâm Ngọc Linh, dược liệu quý đặc hữu, cây ăn quả, cây công nghiệp,…).
Rà soát, sàng lọc nhà đầu tư có năng lực; giám sát chặt tiến độ thực hiện sau đấu giá, đấu thầu để tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai thực hiện Đề án trung tâm lọc, hoá dầu và năng lượng quốc gia ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục đầu tư, quỹ đất để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, góp phần ổn định đời sống người lao động, thu hút nhân lực và thúc đẩy phát triển bền vững các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tập trung giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công, có giải pháp cụ thể để tiếp tục triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm chống lãng phí, thất thoát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, vốn đầu tư ngoài ngân sách. Khẩn trương rà soát, đẩy nhanh xác định tài sản dôi dư hoặc thuộc trường hợp phải xử lý theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để lập hồ sơ đề nghị xử lý, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định; không để bỏ trống, sử dụng sai mục đích, sử dụng kém hiệu quả gây lãng phí, thất thoát.
“Với tinh thần đổi mới, hành động và khát vọng phát triển, UBND tỉnh kêu gọi toàn thể Nhân dân, cử tri, cộng đồng doanh nghiệp và các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị tỉnh nhà phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm hành động hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đưa tỉnh phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.