Quảng cáo ngoài trời tại TP.HCM: Tiềm năng lớn, khai thác chưa hiệu quả

VHO- “Tiềm lực quảng cáo trên địa bàn TP.HCM rất dồi dào, vì thế việc quy hoạch như thế nào để xác định được tầm nhìn chiến lược là vấn đề rất quan trọng”.

Quảng cáo ngoài trời tại TP.HCM: Tiềm năng lớn, khai thác chưa hiệu quả - Anh 1

 Các biển quảng cáo lớn nhỏ tại nút giao thông Nguyễn Thị Minh Khai - Phạm Viết Chánh trên địa bàn Quận 1, TP.HCM

Hội thảo khoa học “Quảng cáo trên địa bàn TP.HCM - Thực trạng, giải pháp và kinh nghiệm quốc tế”, do Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM) phối hợp Sở VHTT TP.HCM và các đơn vị tổ chức cuối tuần qua đã nhận diện những mặt tích cực lẫn tồn tại của ngành quảng cáo TP.HCM qua 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo.

Chưa khai thác hết lợi thế

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá, TP đang trở thành địa chỉ “vàng” cho các doanh nghiệp triển khai chiến dịch truyền thông quảng bá thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ của mình. Là một trong những phương thức truyền thông được nhiều doanh nghiệp tin tưởng nên quảng cáo ngoài trời đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, mỗi năm ngành quảng cáo giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động, tính đến năm 2020, TP có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo với hơn 54.000 lao động, đóng góp khoảng 1,8% GRDP của TP. Trong dự kiến đề án phát triển ngành quảng cáo, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành này đóng góp 2,6% GRDP cho TP với khoảng 32.000 tỉ đồng. Thế nhưng hiện hoạt động quảng cáo trên địa bàn hiện vẫn chưa khai thác hết lợi thế, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời. Sở GTVT TP thống kê đến cuối năm 2022 có 980 trụ, bảng quảng cáo nằm trong hành lang đường bộ. Trong đó, Sở GTVT quản lý 527 trụ quảng cáo, các đơn vị khác quản lý 453 trụ. Trong 980 trụ, có 7 trụ quảng cáo không có pháp lý đề xuất tháo dỡ theo quy định, 8 trụ trên tuyến đường dẫn cao tốc hiện nay đang đề xuất tháo dỡ do vướng dự án sắp triển khai hoặc không đầy đủ các pháp lý quy định.

Toàn TP hiện có gần 10.000 bảng quảng cáo sử dụng công nghệ và hạ tầng viễn thông. Tuy nhiên, do pháp luật về quảng cáo chưa quy định rõ trách nhiệm của ngành về quản lý, kiểm tra và xử lý về nội dung đăng phát trên nền tảng này nên dẫn đến sự chồng lấn về chức năng, thẩm quyền thực hiện trong thời gian qua chưa được chặt chẽ. Theo HĐND TP, quảng cáo ngoài trời chưa đáp ứng được nhu cầu và tiềm năng phát triển. Thành phố hiện có 4.734 km đường giao thông đường bộ, 952 km đường sông, số lượng cầu đường bộ là 1.160 cầu. Với số lượng đường giao thông lớn, mật độ giao thông đông đúc, nhưng TP chưa khai thác được lợi thế giao thông để phát triển quảng cáo ngoài trời, mặc dù nhu cầu quảng cáo ngoài trời hiện nay là rất lớn.

“Tiềm lực quảng cáo trên địa bàn TP.HCM rất dồi dào, vì thế việc quy hoạch như thế nào để xác định được tầm nhìn chiến lược là vấn đề rất quan trọng”, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM) chia sẻ.

Nét đặc trưng trong văn hóa quảng cáo còn… nhạt

Khảo sát của HĐND TP cho thấy, hệ thống bảng, biển quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP mang tính tự phát, chưa đồng bộ, gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị; công tác quy hoạch quảng cáo ngoài trời chưa được thực hiện, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng, “hiện chúng ta vẫn chưa xây dựng được nét đặc trưng trong văn hóa quảng cáo trên địa bàn TP, nhằm tạo điểm nhấn và thu hút du lịch. Mặc dù TP có rất nhiều tuyến đường mua bán, kinh doanh sầm uất, các vòng xoay, quảng trường đông đúc người dân, nhưng đến nay TP.HCM vẫn chưa có những tuyến đường đặc trưng, bắt mắt về bảng hiệu quảng cáo, không chỉ tạo điều kiện cho quảng cáo ngoài trời phát triển, mà còn tạo điểm nhấn, không gian văn hóa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước”. Thực tế cho thấy, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng còn nhiều hạn chế, nhất là trong cơ chế phối hợp, quản lý giữa các Sở, ngành và địa phương, đặc biệt là công tác hậu kiểm, dẫn đến còn xảy ra nhiều sai phạm. Tình trạng quảng cáo ngoài trời, viết, đặt biển hiệu không thực hiện đúng các quy định pháp luật (chưa được cấp phép, sử dụng tiếng nước ngoài, nội dung quảng cáo không đúng quy định…), gây sai lệch thông tin sản phẩm, gây khó khăn cho người đọc…

Ghi nhận của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, việc lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo không đồng bộ, gây mất mỹ quan đô thị; còn tình trạng bảng hiệu vi phạm quy định về kích thước, che chắn mặt tiền nhà, lấn chiếm không gian, vỉa hè, phần đường dành riêng cho người đi bộ làm ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy, trật tự, an toàn giao thông đô thị. Thực tế trong thời gian qua cả nước nói chung và TP nói riêng đã xảy ra nhiều trường hợp người dân không thể thoát thân khi có hỏa hoạn xảy ra, do bảng hiệu bịt kín mặt tiền nhà.

Mặc dù số lượng màn hình LED, LCD quảng cáo hiện nay là rất lớn (gần 10.000 bảng), nhưng công tác quản lý cấp phép và quản lý nội dung quảng cáo chưa chặt chẽ, nhất là việc quảng cáo bên trong các tòa nhà chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, tại các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh. Ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT TP) cho rằng, tại TP.HCM, công tác quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời đã mang lại những kết quả khả quan, thúc đẩy ngành quảng cáo ngoài trời ngày càng phát triển. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và sự phát triển nhanh chóng của các xu thế mới trong hoạt động này dẫn đến nhiều bất cập và hạn chế. Đặc biệt, cho đến giai đoạn hiện nay, chưa có cơ chế cụ thể định hướng phát triển thị trường quảng cáo ngoài trời, các quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu tính cụ thể, chế tài xử phạt vi phạm quảng cáo chưa nghiêm.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, quảng cáo ngoài trời chiếm vị trí đáng kể trong đời sống đô thị và diện mạo kiến trúc của đô thị, đặc biệt là các TP lớn. Do đó, cần tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại TP.HCM theo các quy định của pháp luật và theo định hướng phát triển, diện mạo đô thị của TP, để quảng cáo ngoài trời không chỉ là một phần của ngành công nghiệp văn hóa mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng của TP. Bà Lệ cho rằng, trên cơ sở những thực trạng của hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP.HCM đã được nhận diện, phân tích, TP cần vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98 để tháo được nút thắt và thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển.

“Chúng ta cần sớm xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, đồng nhất và tránh chồng chéo, hoàn thiện việc phân cấp, phân quyền ở các Sở, ngành, địa phương. Ngoài ra, TP cần nhanh chóng ban hành quy chế phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và hình thành không gian quảng cáo hiện đại, sáng tạo. Cần có quy định, chính sách rõ ràng đối với việc xã hội hóa hoạt động quảng cáo thương mại kết hợp cổ động chính trị trên địa bàn TP”, bà Lệ nhấn mạnh. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc