Phản ứng mới nhất của FED trước tác động của thuế quan

HỒNG NHUNG

VHO - Trong cuộc họp tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,25-4,5%, đồng thời nhắc đến những tác động về kinh tế từ chính sách thuế quan gần đây.

Phản ứng mới nhất của FED trước tác động của thuế quan - ảnh 1
Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: CNN

Tác động từ chính sách thuế quan

Trước căng thẳng thương mại leo thang, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn: giữ việc làm hay chống lạm phát.

Nhưng nếu phải đưa ra quyết định, theo CNN, ngân hàng trung ương có thể sẽ ưu tiên thị trường lao động.

FED từ lâu đã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thị trường việc làm và giải quyết lạm phát, chủ yếu sử dụng lãi suất để đạt được các mục tiêu.

Trong hầu hết các trường hợp, rõ ràng là cần chú ý đến bên nào trong nhiệm vụ kép của FED. Chẳng hạn như FED đã hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế trong cơn Đại suy thoái năm 2008, khi tình trạng mất việc làm tràn lan. 

Và khi lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm vào năm 2022, FED đã tăng mạnh lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế và ngăn chặn áp lực giá cả.

Hiện tại, ngân hàng trung ương đang phải đối mặt với thách thức mà họ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Căng thẳng thương mại đã gây áp lực lên doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.

Trong tháng 5, FED đã giữ nguyên lãi suất lần thứ ba liên tiếp, chờ đợi diễn biến tác động từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump trong dữ liệu kinh tế.

Tuy nhiên, tuyên bố chính sách mới nhất của ngân hàng trung ương cũng lưu ý rủi ro trước tình trạng thất nghiệp và lạm phát cao.

Tại một cuộc họp báo cùng ngày, Chủ tịch FED Jerome Powell đã nhắc lại rằng tình trạng đình lạm - sự kết hợp giữa tăng trưởng trì trệ và lạm phát cao hơn - sẽ khiến ngân hàng trung ương rơi vào tình thế khó khăn.

Tuy nhiên các quan chức FED ám chỉ sẽ có phản ứng nhanh chóng với bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy thị trường lao động suy yếu, ngay cả khi gia tăng lạm phát do thuế quan.

"Khi FED bắt đầu thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng và bảng lương phi nông nghiệp bắt đầu giảm, họ sẽ ưu tiên vấn đề việc làm", Nicole Cervi, một nhà kinh tế tại Wells Fargo, nói với CNN.

Phản ứng của FED?

Các quan chức FED cũng nói rằng có lý do chính đáng để tin rằng bất kỳ lạm phát nào do thuế quan gây ra đều có thể chỉ là tạm thời.

"Lạm phát có thể tăng bắt đầu trong vài tháng nữa và sau đó giảm trở lại mục tiêu, có thể sớm nhất là vào cuối năm nay. Tôi cũng hy vọng rằng lạm phát tăng cao sẽ chỉ là tạm thời", Christopher Waller, thành viên Hội đồng Thống đốc FED cho biết vào ngày 14.4 tại một sự kiện ở St. Louis, Missouri.

Nhưng ngay cả khi lạm phát chỉ tăng tạm thời, "những tác động về sản lượng và việc làm" vẫn có thể kéo dài hơn và là một yếu tố quan trọng trong việc xác định lập trường thích hợp của chính sách tiền tệ.

Chủ tịch FED St. Louis Alberto Musalem cũng cảnh báo trong một bài phát biểu vào cuối tháng 3 rằng FED nên "cảnh giác khi nhận định tác động của việc tăng thuế quan đối với lạm phát sẽ hoàn toàn là tạm thời".

Trong trường hợp, thị trường việc làm suy yếu có thể tạo áp lực tăng giá.

Vào tháng 4, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 177.000 việc làm, cao hơn dự kiến khi tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức thấp 4,2%. Nhưng xu hướng tuyển dụng có thể thay đổi khi nỗi lo suy thoái và mức độ bất ổn kinh tế cao đang rình rập.

Người dân đổ xô mua hàng hoá

Theo báo cáo Beige Book mới nhất của ngân hàng trung ương, một tập hợp định kỳ các phản hồi khảo sát từ các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ ghi nhận "nhiều công ty đã lên kế hoạch tạm dừng hoặc hạn chế tuyển dụng trong tương lai do bất ổn chính sách".

Chính sách thuế quan của Mỹ đã gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội đã giảm trong quý đầu tiên năm nay kể từ năm 2022.

Người dân Mỹ đổ xô mua hàng hoá trước khi áp thuế, khiến lượng hàng nhập khẩu tăng vọt và vượt xa lượng hàng xuất khẩu.

"Hiện tại, FED vẫn chờ tín hiệu rõ ràng hơn trước khi hành động. Số liệu việc làm gần đây tốt hơn kỳ vọng đã củng cố lập trường giữ nguyên lãi suất của FED", ông Ashish Shah - Giám đốc mảng đầu tư công tại Goldman Sachs Asset Management nhận định. 

Ông Shah cũng cho rằng việc nới lỏng chính sách chỉ diễn ra nếu thị trường lao động suy yếu.

Sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức 4,25-4,50%. Mức này đã được duy trì từ cuối năm ngoái.

Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng "đó là một mối quan tâm thực sự rõ ràng" vào thời điểm này.

Ông Powell cũng nhắc lại chính sách thương mại tiếp tục là yếu tố bất ổn, khiến FED cần chờ đợi và quan sát.

"Tôi không nghĩ chúng ta có thể nói trước kết cục sẽ ra sao. Có quá nhiều bất ổn ở đây, ví dụ chính sách thuế nhập khẩu sẽ đi đến đâu", ông nói.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc