Nỗ lực chống nạn mua bán sâm Ngọc Linh giả
VHO-Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 1.700 ha sâm Ngọc Linh, chủ yếu tập trung tại huyện Tu Mơ Rông và một số ít ở huyện Đăk Glei. Do có giá trị dược liệu và kinh tế cao, nên những năm gần đây, tình trạng mua bán sâm giả diễn ra rất phức tạp trên thị trường, gây ảnh hưởng đến thương hiệu “Quốc bảo Sâm Ngọc Linh”.
Gian hàng phân biệt Sâm Ngọc Linh thật và giả tại phiên chợ Sâm Ngọc Linh huyện Tu Mơ Rông
Triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ thương hiệu
Có thể điểm qua một số hoạt động mua bán sâm Ngọc Linh giả như: Gắn mác sâm Ngọc Linh cho các loại củ có vẻ ngoài gần giống như tam thất, sâm Trung Quốc, sâm Lai Châu để bán cho khách với giá “trên trời”; hoặc các doanh nghiệp làm khống giấy xác nhận có liên kết trồng sâm với người dân để mang đi mua bán, kinh doanh, trục lợi từ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Đơn cử như: Công ty cổ phần Sâm Việt Nam, Công ty cổ phần tập đoàn y dược Sâm Ngọc Linh và mới đây nhất là Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh… dù không có diện tích trồng sâm, cũng không liên kết trồng sâm với người dân nhưng vẫn “nổ” là có vườn sâm khủng, từ đó trưng bày, kinh doanh các mặt hàng được chế biến từ sâm Ngọc Linh, quảng bá, kêu gọi nhà đầu tư hợp tác…
Huyện Tu Mơ Rông, nơi được xem là “thủ phủ” của sâm Ngọc Linh, đã có những cách làm hay để chống nạn mua bán sâm giả trên thị trường. Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, để ngăn chặn tình trạng trên, huyện đã chủ động rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân sở hữu vườn sâm Ngọc Linh hoặc tham gia liên kết trồng sâm với dân, danh sách phổ biến công khai.
“Huyện Tu Mơ Rông xác định bảo vệ thương hiệu “Quốc bảo Sâm Ngọc Linh” là việc thường xuyên, liên tục. Tại các phiên chợ sâm, huyện thành lập tổ kiểm định, lấy mẫu sâm đi xét nghiệm. Ngoài ra, huyện cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng ngăn chặn rất nhiều vụ vận chuyển, mua bán, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Nhiều vụ việc đã được phát hiện, góp phần ngăn chặn tình trạng đưa sâm củ trà trộn lên Tu Mơ Rông để đội lốt sâm Ngọc Linh bán ra thị trường”, ông Mạnh nói và cho biết thêm, trong 2 phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức năm 2022 và 2023, BTC đã thành lập tổ kiểm định và lấy các mẫu sâm gửi đi xét nghiệm, nếu kết quả xác định có sâm giả trà trộn vào sẽ xử lý nghiêm minh, bất kể đó là cán bộ nào, chức vụ gì. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo lực lượng công an tham mưu lập chuyên án chống mua bán sâm giả; Ban chỉ đạo 389 huyện thành lập Tổ chống sâm giả trên địa bàn; thành lập các đoàn đi kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm tại các vườn sâm.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp của huyện và tỉnh nên nhiều vụ mua bán sâm giả đã được phát hiện, bắt giữ. Các doanh nghiệp vào địa bàn “nổ” sở hữu vườn sâm, có liên kết trồng sâm với dân đã được huyện và ngành chức năng phanh phui, công khai sự thật để dư luận, người tiêu dùng biết rõ.
Làm chủ trang thiết bị kỹ thuật chống hàng giả
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông chia sẻ, trong cuộc chiến chống sâm giả, điều khó khăn nhất là tỉnh chưa chủ động được máy móc để xét nghiệm, làm cơ sở xử lý hành vi mua bán hàng giả. Khi nghi ngờ sâm giả, ngành chức năng phải lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, vừa mất thời gian, lại bị động, chi phí cao. Trước thực trạng đó, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang cho biết, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí, giao cho Sở KH&CN triển khai việc mua sắm trang thiết bị kiểm định sâm Ngọc Linh trị giá khoảng 13 tỉ đồng.
Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Kon Tum thông tin, đến nay Sở đã hoàn thành công tác đầu tư, mua sắm thiết bị đối với 2 hệ thống kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh với mức đầu tư 13 tỉ đồng. Hai hệ thống này gồm: Thiết bị phục vụ công tác tách chiết, nhân bản, kiểm tra DNA và thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học saponin sâm Ngọc Linh nhằm phục vụ công tác chuyên kiểm tra chất lượng sâm trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các thiết bị, dụng cụ đã được trang bị đầy đủ, bảo đảm điều kiện để phân tích kiểm định sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác. Cán bộ kỹ thuật của Sở được đào tạo, làm chủ 2 quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật, giả. Có thể khẳng định, việc làm chủ kỹ thuật xét nghiệm nói trên là một bước tiến mới trong công cuộc đấu tranh chống sâm giả trà trộn vào “thủ phủ” sâm Tu Mơ Rông. Từ đây, việc đấu tranh chống nạn sâm giả sẽ bước vào trạng thái chủ động và mạnh mẽ, tạo sức răn đe lớn đối với các đối tượng nhăm nhe trục lợi.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Kon tum đã có văn bản số 2350 yêu cầu sử dụng thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác quản lý nhà nước, bảo vệ sản phẩm, thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong đó, giao Sở KH&CN khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan sớm hoàn thành việc xây dựng biểu phí, giá dịch vụ và quy trình kiểm định, xét nghiệm đối với sản phẩm củ sâm Ngọc Linh. Tổ chức thông tin rộng rãi bằng nhiều hình thức để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ KH&CN tỉnh đã hoàn thành việc trang bị máy móc, thiết bị và làm chủ quy trình kỹ thuật, vận hành; đủ năng lực, điều kiện cung cấp dịch vụ xét nghiệm, kiểm định để xác định sâm Ngọc Linh thật, giả cho mọi đối tượng khách hàng…
Trước mắt, giao Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường tỉnh phát huy vai trò của các trang thiết bị, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất giống, sâm Ngọc Linh củ và kinh doanh các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh. Khi phát hiện có dấu hiệu gian lận thương mại, kinh doanh sâm Ngọc Linh Kon Tum giả, kém chất lượng thì lập tức niêm phong, lấy mẫu xét nghiệm, kiểm định và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật; đồng thời thông tin công khai để cảnh báo đến người tiêu dùng, quyết tâm bảo vệ thương hiệu, danh tiếng của sâm Ngọc Linh Kon Tum cũng như quyền lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, người sản xuất.
NGỌC HÒA