Nestlé Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đa bên trong nỗ lực thúc đẩy nông nghiệp xanh, ứng phó biến đổi khí hậu

VHO - Thông qua việc hợp tác với các bên nhằm chia sẻ kỹ thuật canh tác bền vững kết hợp chuyển đổi số đến người nông dân, mô hình nông nghiệp tái sinh đang được Nestlé giới thiệu tại Việt Nam hướng đến góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững, phát thải thấp.

Ngày 5.12 tại Hà Nội, Phiên họp toàn thể Chương trình Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV) năm 2022 với chủ đề “Xây dựng một nền nông nghiệp xanh và gia tăng giá trị” đã chính thức diễn ra với sự điều hành của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan và ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam. 

Nestlé Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đa bên trong nỗ lực thúc đẩy nông nghiệp xanh, ứng phó biến đổi khí hậu - Anh 1

Toàn cảnh phiên họp toàn thể PSAV 2022

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ phục vụ 100 triệu dân trong nước, mà đã đứng vào top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường của hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thị trường bị ảnh hưởng với các yếu tố địa chính trị, cùng với sư lựa chọn của người tiêu dùng có nhiều thay đổi, ngành nông nghiệp cần phải thay đổi để gia tăng và tạo ra các giá trị mới. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. 
“Với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu) về việc đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050, chúng tôi đang nỗ lực chuyển đổi để hướng tới phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, trung hòa các-bon, bên cạnh mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, đồng chủ trì PSAV cho biết, hiện nay gần 2/3 lượng khí thải nhà kính của Tập đoàn đến từ nguyên vật liệu ngành thực phẩm và các hoạt động gián tiếp của doanh nghiệp. Vì vậy, trong lộ trình thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Nestlé, giảm lượng khí thải từ nguyên vật liệu nông nghiệp thông qua việc áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh là một trong những điều quan trọng nhất mà Nestlé đang theo đuổi tại các thị trường. Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được Nestlé thực hiện thông qua chương trình NESCAFÉ Plan và các sáng kiến hợp tác đa bên về nông nghiệp bền vững. 

Nestlé Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đa bên trong nỗ lực thúc đẩy nông nghiệp xanh, ứng phó biến đổi khí hậu - Anh 2

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam đồng chủ trì phiên họp toàn thể PSAV 2022 

Thông qua chương trình NESCAFÉ Plan khởi xướng năm 2011, Nestlé Việt Nam đã tăng cường hợp tác công - tư với các đối tác như Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông các địa phương, Bộ NN-PT&NT cùng các tổ chức, đối tác… Chương trình NESCAFÉ Plan đã gắn kết thành công với người nông dân khu vực Tây Nguyên, nâng cao chất lượng hạt cà phê Việt, áp dụng phương pháp canh tác bền vững, tái canh diện tích cây cà phê già cỗi, gia tăng thu nhập cho các nông hộ, đảm bảo sinh kế cũng như gia tăng quyền năng của các nữ nông dân. 
Đồng thời, nông nghiệp tái sinh còn giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học. Việc cải tạo chất lượng đất còn giúp tăng khả năng hấp thụ khí các-bon vào đất, giảm phát thải. Chương trình đã giúp người nông dân tái canh 63.000 ha cà phê già cỗi, giảm 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học/ thuốc trừ sâu, tăng 30-100% thu nhập nhờ áp dụng mô hình xen canh hợp lý, và giảm lượng phát thải các-bon trên mỗi ký cà phê được thu hoạch. 

Nestlé Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đa bên trong nỗ lực thúc đẩy nông nghiệp xanh, ứng phó biến đổi khí hậu - Anh 3

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, NESCAFÉ Plan còn giúp tri thức hóa người nông dân thông qua việc áp dụng chuyển đổi số trên chính rẫy cà phê của mình. Cụ thể, Chương trình đã hỗ trợ phát triển và xây dựng công cụ quản lý nhật ký nông hộ (Digital Farmer Field Book - FFB), giúp người nông dân quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, kiểm soát chi phí và lợi nhuận, thay thế việc quản lý bằng giấy tờ. Đồng thời, tính toán được chi tiết phát thải các-bon trên rẫy cà phê của mình. 
Theo ông Binu Jacob, mô hình nông nghiệp tái sinh của Nestlé đã và đang được áp dụng thành công trong canh tác cây cà phê, và cũng có thể là giải pháp cho các ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua phiên họp toàn thể PSAV, Nestlé Việt Nam cũng khẳng định vai trò của mình đó là tiếp tục gia tăng giá trị nông sản, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm của châu Á thay vì chỉ xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị thấp. 

Nestlé Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đa bên trong nỗ lực thúc đẩy nông nghiệp xanh, ứng phó biến đổi khí hậu - Anh 4

Cán bộ hỗ trợ nông nghiệp của Nestlé Việt Nam hướng dẫn các hộ nông dân sử dụng công cụ FFB để quản lý nông trại thuộc dự án NESCAFÉ Plan 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thông tin, Bộ NN-PT&NT đang phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thành lập Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo về lương thực thực phẩm (FIH), gắn liền với phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp. Theo đó, Bộ NN-PT&NT kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế tham gia trong quá trình chuẩn bị và triển khai FIH”.
Chương trình PSAV được khởi xướng từ năm 2010 trong khuôn khổ “Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hướng đến mục tiêu 20-20-20 (tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo, giảm 20% phát thải). Đến thời điểm hiện tại, PSAV có 8 nhóm công tác công - tư (PPP) ngành hàng, bao gồm các nhóm về cà phê, chè, rau quả, thủy sản, gạo, gia vị và hồ tiêu, chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp với sự tham gia của 120 tổ chức là các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ. PSAV được đồng chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - đại diện cho khối công và Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam - đại diện cho khối tư.

Nestlé Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đa bên trong nỗ lực thúc đẩy nông nghiệp xanh, ứng phó biến đổi khí hậu - Anh 5

Nestlé Việt Nam hợp tác với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên để nghiên cứu, phát triển các giống cà phê có năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, chịu hạn tốt để hỗ trợ các hộ nông dân tái canh tác

Cùng với mục tiêu gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Ngày Cà phê Việt Nam dự kiến diễn ra từ 9-11.12, Nestlé Việt Nam và Hiệp hội Cà phê Việt Nam (VICOFA) sẽ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, hướng tới xây dựng ngành cà phê bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao thu nhập của người sản xuất. Trong đó, là doanh nghiệp tiên phong áp dụng thành công nông nghiệp tái sinh, Nestlé Việt Nam sẽ tiếp tục chia sẻ kiến thức và các thực hành tốt của mô hình này trong sản xuất cà phê bền vững, có trách nhiệm. Đồng thời góp phần đẩy mạnh liên kết giữa khu vực công, tư nhân và các bên liên quan để cùng giải quyết các thách thức của ngành cà phê Việt Nam nói riêng và của nền nông nghiệp nói chung.

P.V

Ý kiến bạn đọc