Khi nông sản là thương hiệu...
VHO - Sự kiện tổ chức đấu giá thành công 3 quả sầu riêng với số tiền hơn 2,5 tỉ đồng, diễn ra tại lễ hội sầu riêng Krông Pắc (Đắk Lắk) là hiện tượng hiếm. Xưa nay, những mức giá trị cao này thường thuộc về những thành quả sáng tạo nghệ thuật, song lần đầu tiên, cộng đồng ghi nhận lại trao cho thành phẩm nông sản từ sản xuất bình thường.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch huyện Krông Pắc chia sẻ, ngay với những người trong cuộc và nêu ý tưởng đấu giá 3 quả sầu riêng cũng bất ngờ với kết quả đấu giá.
Bởi thực sự, đây là lần đầu tiên một loại trái cây nông sản đạt mức giá cao như vậy, mà theo bà Trinh, có thể xuất phát từ giá trị biểu trưng văn hóa nông nghiệp Tây Nguyên.
Thứ nhất, 3 trái sầu riêng được chọn, chính xác đã đại diện cho lịch sử phát triển sản xuất, canh tác nông nghiệp đặc thù ở Tây Nguyên. Trái đầu tiên lấy từ cây sầu riêng cổ thụ trên trăm năm tuổi tại đồn điền Cada, một trong những địa chỉ trồng sầu riêng đầu tiên ở cao nguyên.
Nếu Đắk Lắk có 120 năm thành lập, thì trái sầu riêng này biểu trưng một phần cho lịch sử khai hoang khẩn đất và canh tác chuyên sâu nơi đây.
Trái sầu riêng thứ hai thuộc giống Dona, là kết quả lai tạo giống mới và cũ trong quá trình hội nhập kinh tế hiện nay, hướng đến tiêu chuẩn chất lượng nông sản tốt nhất và không ngừng được cải thiện.
Trái thứ ba, định vị “nữ hoàng sầu riêng” lại thuộc về giống Ri6, do chính người Việt tạo ra và đó chính là một lão nông giàu kinh nghiệm.
Người trúng đấu giá trái này đã khẳng định, sẽ đem trái sầu riêng Ri6 về quê hương Bến Tre của giống trái cây đặc thù chất Việt này, tặng cho người khởi sanh giống trái.
Ấy chỉnh là lời cảm ơn sâu sắc trước những tinh hoa sáng tạo, công sức lao động của những người nông dân lam lũ bao đời. Ri6 được vinh danh trên vùng đất cao nguyên, đánh dấu tinh thần kết nối hợp tác mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, không chia tách vùng miền địa phương, mà luôn hướng đến tinh thần phục vụ tốt nhất, kết quả chất lượng cao nhất mà người nông dân theo đuổi.
Thứ hai, 3 trái sầu riêng được định giá cao, vì cùng giá trị tiền bạc, sự kiện đấu giá còn thể hiện tinh thần sẻ chia đùm bọc, tương thân tương ái trong truyền thống dân tộc Việt Nam.
Lãnh đạo huyện Krông Pắc khẳng định, số tiền từ kết quả đấu giá, sẽ được địa phương dùng vào công tác chăm sóc, hỗ trợ những gia đình neo đơn khó khăn, thực hiện chính sách giúp đỡ người nghèo, người thiệt thòi trên địa bàn huyện.
Điều này, ngược lại sẽ tạo nền tảng mạnh mẽ cho tinh thần lao động, làm việc của cộng đồng cư dân, bởi khi công tác an sinh được đề cao, nhà nhà người người sẽ nhận thức rõ hơn vai trò kết nối, phát triển cộng đồng từ các chính sách địa phương, động viên họ đầu tư vào chuyên canh sản xuất, lấy sản xuất làm thước đo thực tiễn cho phát triển kinh tế đời sống.
Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, 3 trái sầu riêng đẹp nhất được lựa chọn từ 32 khu vườn sầu riêng ở địa bàn huyện, vì thế không còn đơn giản là những trái cây cụ thể trong dòng nông sản xuất khẩu của địa phương, hứa hẹn mang lại những cơ hội làm ăn, thu hoạch tốt nhất.
Số tiền 2,55 tỉ đồng sẽ chỉ là một khoản rất nhỏ trong định hướng ước mơ, thúc đẩy phát triển sản xuất, an sinh xã hội của địa phương. Sau dấu mốc này, chắc chắn tinh thần lao động ở người dân bản địa sẽ được nâng cao, chắc chắn những thành quả lao động của người dân Krông Pắc và đồng bào Tây Nguyên sẽ nhân lên nhiều lần.
Đó mới là muc tiêu to lớn mà chính quyền địa phương và người dân nơi đây mong tới, càng ngày càng làm giàu đẹp hơn quê hương của mình, càng ngày càng có thêm nhiều thương hiệu được ghi nhận và vinh danh, những biểu trưng từ lịch sử phát triển không ngừng và hội nhập, chia sẻ kinh tế sâu sắc.