Khi bán hàng online lên ngôi

VHO- Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, chỉ những cửa hàng thiết yếu được mở cửa nên số lượng đơn hàng qua các kênh mua sắm, đi chợ hộ hay đặt hàng trực tiếp tại các siêu thị như Big C, Vinmart tăng lên gấp nhiều lần. Không chỉ có hệ thống mua sắm lớn, các cửa hàng nhỏ lẻ, nhất là các cửa hàng kinh doanh mặt hàng thực phẩm, quán ăn cũng nhanh chóng dùng các mạng xã hội cá nhân như Facebook, Zalo… để bán hàng online.

Khi bán hàng online lên ngôi - Anh 1

 Món ăn đường phố cũng lên “sàn điện tử” trong mùa dịch

Theo quan sát trên các diễn đàn về ẩm thực, rất nhiều hình thức bán theo suất hoặc combo được các quán ăn, nhà hàng đưa ra để khách lựa chọn với hình thức đầy đặn, ngon lành nhưng khi nhận về tay thì lại khác một trời một vực, chưa kể còn phải tính phí ship hàng nên nếu bình thường một bát phở ăn tại quán có giá 50.000 đồng thì nay khi gọi về phải mất thêm 30.000 đồng tiền vận chuyển.

Không thể phủ nhận những tiện lợi đến từ việc bán hàng qua mạng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn có rất nhiều tồn tại, kẽ hở dẫn đến sự chưa hài lòng của người mua, thậm chí còn là nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo. Thời gian qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã nhận được rất nhiều đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với trang “Hữu cơ Đà Lạt” và đối tượng Chu Thị Mỹ Linh. Theo đó, sau khi nhiều người thấy trang mạng nói trên rao bán các sản phẩm hữu cơ với giá rẻ liền đăng ký mua rồi đăng lại trên trang cá nhân để bán kiếm lời chênh lệch. Sau đó, một số đối tượng giả vờ vào quan tâm, đặt mua số lượng lớn làm cho những người này tin thật nên đặt mua thêm sản phẩm. Tuy nhiên sau khi đặt số tiền lớn, những người này liền bị chặn các hình thức liên lạc với trang “Hữu cơ Đà Lạt” và bị chiếm đoạt tiền. Chiêu thức lừa đảo bán hàng trên không phải là mới, rất nhiều người đã bị lừa nhưng thường tặc lưỡi cho qua bởi số tiền đặt cọc mua một sản phẩm thường không nhiều. Nhưng họ không nghĩ rằng, chỉ cần lừa mỗi người một ít như vậy thôi thì số tiền bọn lừa đảo thu được không phải nhỏ và những hình thức lừa đảo này càng ngày càng phát triển.

Tuy không đến mức tiền mất tật mang như những trường hợp trên nhưng chuyện đi chợ online trong mùa dịch cũng lắm chuyện khóc cười mà nạn nhân cũng không biết phải xử trí sao nữa. Chị Nhung ở Đội Cấn, Ba Đình kể về lần gia đình có việc, biết thời điểm này việc vận chuyển hàng hóa khó khăn nên mặc dù chiều nhà mới cúng nhưng chị vẫn đặt hàng đem đến trong buổi sáng. Tuy nhiên đến gần 17h vẫn chưa thấy gà để thắp hương đâu. Cũng chính vì những chuyện này mà trên các diễn đàn mua sắm online thời gian gần đây thường xuyên có những màn “bóc phốt” giữa khách hàng với người kinh doanh…

Vẫn biết, trong thời điểm này việc mua bán hàng online là tiện lợi và đảm bảo chấp hành những chỉ đạo của nhà nước tránh ra đường khi không cần thiết. Tuy nhiên mỗi một cá nhân, doanh nghiệp bán hàng cũng cần có trách nhiệm trong việc kinh doanh của mình, tránh việc lợi dụng hoàn cảnh xã hội như bây giờ để kiếm tiền bằng mọi cách, bất chấp những quy định, bảo đảm về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, người mua hàng cũng cần tỉnh táo, lựa chọn những cơ sở kinh doanh uy tín, chất lượng hàng hóa rõ ràng, khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần chia sẻ với cộng đồng cũng như báo cáo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

 THANH BO

Ý kiến bạn đọc