Khánh Hòa: Tạo việc làm cho lao động là người đồng bào

nam giang
Khánh Hòa: Tạo việc làm cho lao động là người đồng bào

VHO - Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa đưa vào hoạt động Nhà máy Chế biến nguyên liệu Yến sào Sanvinest Khánh Hòa (tại Cụm công nghiệp Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh) đã mở ra cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và làm thay đổi nhận thức cho lao động là người đồng bào, hộ nghèo, cận nghèo huyện Khánh Vĩnh. Trong chiến lược phát triển của mình, thời gian tới, Công ty tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội việc làm cho lao động địa phương.

Khánh Hòa: Tạo việc làm cho lao động là người đồng bào  - ảnh 1
Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho lao đồng là người đồng bào

Nâng cao thu nhập khi được vào Nhà máy làm việc

Chúng tôi tới thăm Nhà máy Chế biến nguyên liệu Yến sào Sanvinest Khánh Hòa; trong môi trường làm việc sạch, đẹp, thoáng mát, hơn 300 lao động của Nhà máy đang cần mẫn làm việc.

Đôi tay thoăn thoắt dùng nhíp nhặt từng mẫu lông yến ly ti ra khỏi sợi yến đặt trên những chiếc đĩa sứ trắng tinh, chị H Trây H Lan, người dân tộc Ê Đê (ở thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh) chia sẻ: “Trước đây tôi làm giáo viên hợp đồng trong một cơ sở giáo dục mầm non nên mức lương khá thấp. Khi Nhà máy tuyển dụng, được địa phương vận động, tôi đã nộp hồ sơ và được tuyển dụng vào làm việc từ đầu tháng 12-2023. Được vào Nhà máy tôi thấy mình khá may mắn và hết sức vui mừng; bởi vì nơi đây, môi trường làm việc rất chuyên nghiệp, sạch đẹp, thoáng mát, mọi người rất đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau mọi thứ trong công việc, đời sống. Tuy mới vào làm, nhưng thu nhập của tôi mỗi tháng đã hơn 6 triệu đồng. Đặc biệt, Nhà máy còn đảm bảo các chế độ bảo hiểm, chính sách phúc lợi khác rất chu đáo. Hàng ngày, chúng tôi còn được hỗ trợ ăn ca với nhiều món ngon, đầy đủ dưỡng chất”.

Cũng theo chia sẻ của chị H Trây H Lan, nhờ vào đây làm việc, gia đình có điều kiện mua sắm được nhiều vật dụng giá trị trong gia đình như: tivi, tủ lạnh, 2 con của chị có đầy đủ đồ dùng học tập, quần áo mới đến trường.

Khánh Hòa: Tạo việc làm cho lao động là người đồng bào  - ảnh 2
Nhà máy Chế biến nguyên liệu Yến sào Sanvinest Khánh Hòa đi vào hoạt động mở ra cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và làm thay đổi nhận thức cho lao động là người đồng bào, hộ nghèo, cận nghèo

Tương tự, chị ĐRao H Én (ở xã Khánh Hiệp) được Nhà máy tuyển dụng vào làm việc đến nay đã được hơn 3 tháng. Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp với mức thu nhập cao đã góp phần từng bước làm thay đổi tác phong công việc cũng như suy nghĩ rất tích cực của chị.

Chị ĐRao H Én cho biết, trước đây, do không có bằng cấp, tay nghề nên chị đi làm phục vụ tại một quán cà phê mỗi tháng được hơn 3 triệu đồng. Nhưng khi được địa phương kết nối, doanh nghiệp tạo điều kiện chị vào nhà máy làm việc với mức lương hơn 7,5 triệu đồng/tháng. Không chỉ đảm bảo đầy đủ các chế độ, Nhà máy rất quan tâm chăm lo đời sống, sức khỏe hàng ngày của công nhân. Ngoài được hỗ trợ ăn ca, hàng ngày doanh nghiệp còn hỗ trợ cho mỗi người sử dụng 1 lon nước yến, 1 hũ sữa chua của đơn vị, khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, lãnh đạo Nhà máy thường xuyên thăm hỏi, động viên, lắng nghe ý kiến và giải quyết rất chu đáo, hợp tình, hợp lý cho anh chị em công nhân.

 “Tôi rất mừng và sẽ gắn bó lâu dài với Nhà máy. Đồng thời sẽ tuyên truyền, vận động người dân địa phương tích cực học tập, đáp ứng các điều kiện để xin vào Nhà máy làm việc. Có công việc, nâng cao thu nhập thì mới thay đổi được cuộc sống”, chị ĐRao H Én tâm sự.

Khánh Hòa: Tạo việc làm cho lao động là người đồng bào  - ảnh 3
Chính sách thu hút, tạo điều kiện cho lao động địa phương, nhất là lao động người đồng bào, hộ nghèo, cận nghèo vào làm việc rất tốt.

Góp sức thay đổi nhận thức

Bà Phan Thị Giang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa cho biết, hiện nay Công ty đang tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho 1.150 lao động địa phương. Riêng ở Nhà máy Chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa có hơn 300 lao động, trong đó có hơn 20 lao động là người đồng bào, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo của huyện Khánh Vĩnh. Mức thu nhập bình quân của người lao động khoảng 8 - 11 triệu đồng/tháng (tùy vào vị trí công việc và thâm niên). Với Công ty, người lao động luôn là tài sản quý giá nhất; người lao động có an tâm, gắn bó với Nhà máy thì doanh nghiệp mới phát triển. Do vậy, trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người lao động luôn được đơn vị chú trọng quan tâm hàng đầu.

Ngoài đảm bảo đầy đủ các chế độ, phúc lợi, doanh nghiệp luôn quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề, tác phong công việc, ý thức chuẩn mực, đạo đức tại nơi làm việc. Hiện nay, các sản phẩm của Nhà máy phục vụ cho xuất khẩu, vì vậy các tiêu chuẩn về lao động đòi hỏi phải đảm bảo sức khỏe, trình độ văn hóa. Đặc thù công việc tại Nhà máy cần có sức khỏe tốt về mắt, vì vậy, đơn vị luôn khuyến khích công nhân hạn chế sử dụng điện thoại vào thời gian nghỉ ngơi. Công ty đã đầu tư nhà xưởng làm việc, nơi nghỉ ngơi đảm bảo thoáng, mát, mỗi ngày đi làm việc, công nhân không sử dụng điện thoại sẽ được hỗ trợ 10.000 đồng/người.

Khánh Hòa: Tạo việc làm cho lao động là người đồng bào  - ảnh 4
Trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người lao động luôn được đơn vị chú trọng quan tâm hàng đầu

“Tôi rất mừng khi Công ty có chính sách thu hút lao động là người đồng bào vào làm việc. Qua hơn 3 tháng làm việc, số lao động này đã thích ứng rất tốt với môi trường làm việc của Nhà máy. Đặc biệt, suy nghĩ, nhận thức của họ thay đổi rất lớn, không còn tâm lý e ngại, bỏ việc. Trong thời gian tới, Công ty sẽ khởi công xây dựng giai đoạn 2 của dự án Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào Khánh Hòa tại Cụm công nghiệp Sông Cầu, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025 sẽ ưu tiên tuyển dụng khoảng 50 đến 80 lao động địa phương. Rất mong các cấp, ngành, địa phương huyện Khánh Vĩnh cần tích cực hỗ trợ đơn vị trong việc tạo nguồn, tuyển chọn lao động phù hợp với tiêu chí, yêu cầu của đơn vị”, bà Phan Thị Giang chia sẻ.

Theo bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, lâu nay, phần lớn lao động địa phương chủ yếu đi làm thuê, làm mướn nên chưa có thói quen công nghiệp. Việc Nhà máy Chế biến nguyên liệu Yến sào Sanvinest Khánh Hòa có chính sách thu hút, tạo điều kiện cho lao động địa phương, nhất là lao động người đồng bào, hộ nghèo, cận nghèo vào làm việc rất tốt. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giúp người dân thoát nghèo mà còn làm thay đổi ý thức, tác phong, môi trường làm việc rất lớn. Với những lao động này sẽ là hình mẫu, nhân chứng sống để tuyên truyền, vận động người dân địa phương thay đổi ý thức, nhận thức vào làm việc trong môi trường doanh nghiệp. Do vậy, thời gian tới, Nhà máy cần nới rộng về độ tuổi, hạ mức yêu cầu về trình độ, tạo điều kiện cho lao động địa phương vào làm việc và có khoảng thời gian để họ được đào tạo, thích nghi với nhà máy, công việc.

Khánh Hòa: Tạo việc làm cho lao động là người đồng bào  - ảnh 5
Tạo điều kiện cho người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, Sở đánh giá rất cao khi Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa có chính sách thu hút lao động huyện Khánh Vĩnh vào làm việc. Tuy nhiên, số lượng vẫn còn hạn chế. Hiện nay, toàn huyện Khánh Vĩnh có khoảng 90 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nếu được doanh nghiệp tạo điều kiện vào làm việc sẽ góp phần nâng cao thu nhập, đời sống, vươn lên thoát nghèo. Về lâu dài, những doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Sông Cầu cần tạo điều kiện có ít nhất 50% là lao động địa phương Khánh Vĩnh vào làm việc; đảm bảo lợi ích doanh nghiệp và người dân địa phương phải được hài hòa…