Hội nghị Kinh doanh 2022: “Tạo tác động xã hội” làm giá trị cốt lỗi

VHO- Hội nghị Kinh doanh tạo tác động 2022 do Forbes Việt Nam (ấn phẩm của Báo Văn Hóa) lần đầu tiên tổ chức đã chính thức khai mạc vào chiều qua 22.9 tại TP.HCM.

Hội nghị Kinh doanh 2022: “Tạo tác động xã hội” làm giá trị cốt lỗi - Anh 1

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc trình bày tại hội nghị

Hiện xu hướng kinh doanh toàn cầu đang cho thấy rõ có sự dịch chuyển trong các mô hình kinh doanh, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp đưa mục tiêu “tạo tác động xã hội” làm giá trị cốt lõi của mình. Nhất là khi nhiều mô hình kinh doanh truyền thống không còn đủ khả năng đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu. Chính vì thế, với mô hình kinh doanh tạo tác động sẽ giúp cải thiện và tăng cường lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các lợi ích quan trọng khác về quản lý rủi ro, tiết kiệm chi phí, khả năng tiếp cận vốn, quan hệ khách hàng, sự hài lòng của nhân viên, tính bền vững của hoạt động…

Trong phần trình bày mở đầu với nội dung “Bức tranh chung về kinh doanh tạo tác động tại Việt Nam”, bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng tăng trưởng bao trùm Chương trình Phát triển của LHQ tại Việt Nam (UNDP) cho biết, hiện tại ở Việt Nam, khái niệm đầu tư tác động còn khá mới và chưa được đưa vào bất cứ một văn bản chính thức nào. Tuy vậy, hoạt động đầu tư mang tính chất của đầu tư tác động đúng nghĩa đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp (năm 2020) đã đưa vào khái niệm “doanh nghiệp xã hội”, là điều khoản pháp lý quan trọng, nêu rõ vai trò của doanh nghiệp xã hội có các hoạt động vừa định hướng lợi nhuận và định hướng xã hội cũng như môi trường.

Mặc dù đầu tư tác động còn là hình thức đầu tư khá mới mẻ, Việt Nam vẫn là thị trường đầy tiềm năng cho hoạt động này. Điều này thể hiện qua số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội ngày một tăng. Tuy nhiên, do mức độ và chiều hướng tác động của Covid-19 lên các ngành có sự khác nhau nên sẽ không có một công thức chung về chiến lược thích ứng cho tất cả các doanh nghiệp. Bà Đỗ Lê Thu Ngọc cho rằng, trong quá trình chuyển đổi, các doanh nghiệp cần tiếp cận với những sự hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn, nguồn vốn. Qua đó, bà nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược thích ứng theo ba nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp đầu, tập trung quản lý khủng hoảng và quản lý thanh khoản. Đây là cách làm hiệu quả mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng. Nhóm giải pháp thứ hai, hướng đến tạo ra những giá trị ngắn hạn thông qua việc rà soát và đưa ra các giải pháp có thể thực hiện ngay để tăng hiệu quả hoạt động và tăng dòng tiền. Và ở nhóm giải pháp thứ ba, doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược tái định vị, bao gồm cải tổ mô hình kinh doanh, xem xét lại mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và cải tổ phương thức phản hồi, nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với hành vi và nhu cầu khách hàng”.

Chia sẻ quan điểm đầu tư vào các mô hình doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động, bà Christina Ameln, Cố vấn cấp cao, Asian Venture Philanthropy Network, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Châu Á cho rằng, Việt Nam nằm trong một khu vực nơi mà một số quốc gia vẫn dễ bị bất ổn chính trị và kinh tế, vì thế đã được hưởng lợi từ Chính phủ và cấu trúc xã hội ổn định, trở thành một địa điểm lý tưởng để đầu tư vốn. Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cam kết hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Sau khi đổi mới, Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác kinh tế và thương mại với EU năm 1995, gia nhập ASEAN năm 1995, tuân theo CEPT / AFTA năm 1996 và trở thành thành viên APEC năm 1998. Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ được ký kết vào năm 2000, dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong kim ngạch thương mại giữa hai nước.

Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới vào ngày 11.1.2007 và cũng chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với 11 thành viên khác vào ngày 8.3.2018. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường thế giới với tư cách là nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, nước xuất khẩu cà phê và gạo lớn thứ hai, và nước xuất khẩu hạt điều lớn thứ ba cùng các sản phẩm khác. Về trung và dài hạn, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn FDI để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Có thể thấy, việc chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi nhuận sang mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội là bước đi đầu tiên cần thiết, tuy vậy, để phát triển lâu dài doanh nghiệp cần sự tăng trưởng bền vững cả về thị trường lẫn tác động tạo ra. Hợp tác với các đối tác phi truyền thống như tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận để mang đến các dịch vụ và sản phẩm phục vụ những cộng đồng đang thiếu cơ hội tiếp cận sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng được thị trường, cộng đồng khách hàng và nhân rộng tác động của doanh nghiệp lên môi trường và xã hội.

Rõ ràng, kinh doanh tạo tác động xã hội và môi trường đang trở thành kim chỉ naM cho các doanh nghiệp muốn xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững. Và để hoạt động và phát triển lâu dài tại thị trường còn nhiều tiềm năng và không ít thách thức như Việt Nam, doanh nghiệp cần có tầm nhìn xa và nỗ lực tiên phong kiến tạo thay đổi nhằm tạo ra tương lai bền vững hơn cho thị trường. 

HOÀNG HẢI- HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc