Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng: “Siêu dự án” ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân

VH- “Siêu dự án” di dời ga đường sắt Đà Nẵng có tổng mức vốn đầu tư dự kiến 5.764 tỉ đồng đã được lên kế hoạch từ cách đây 15 năm. Vị trí di dời ga Đà Nẵng đã được Bộ GTVT và UBND TP Đà Nẵng “chốt” là địa phận phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) với tổng diện tích 95,4 ha. Thế nhưng nó còn xa vời lắm, còn người dân nằm trong diện quy hoạch thì rất bức xúc.

Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng: “Siêu dự án” ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân - Anh 1

Ga đường sắt Đà Nẵng hiện tại

“Siêu dự án” khiến dân cư nhếch nhác

Theo đó dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng sẽ được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có tổng kinh phí đầu tư 3.393 tỉ đồng, bao gồm chi phí xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án và chi phí dự phòng. Hình thức đầu tư công kết hợp với doanh nghiệp tự đầu tư. Giai đoạn 2 tổng kinh phí dự kiến 2.371 tỉ đồng sẽ thực hiện khi Nhà nước cân đối được nguồn vốn.

Tại cuộc họp mới đây nhất giữa thành phố Đà Nẵng và Bộ GTVT, hai bên nhận thấy việc di dời ga đường sắt cũng như các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố trong giai đoạn 2016 – 2020 còn nằm ở tương lai xa, vì còn quá nhiều vấn đề khó khả thi. Một trong những khó khăn là vấn đề bố trí tái định cư cho người dân vẫn chưa thực hiện được khiến cho cuộc sống của dân cư địa bàn này lúc nào cũng trong tình trạng tạm bợ, nhếch nhác suốt 15 năm nay.

Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng: “Siêu dự án” ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân - Anh 2

Những con đường vốn đã rất nhỏ lại luôn trong tình trạng lầy lội, lênh láng nước bẩn

Hiện ở P. Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu) có tới 19 tổ dân phốvới hơn 2.000 hộ dân nằm trong quy hoạch dựán xây dựng ga Đà Nẵng mới, được công bố từ năm 2003. Khối phố Chơn Tâm 1B7 có 3 tổ dân phố 16, 17, 18 với 320 hộ dân, thuộc 19 tổ dân phố nằm trong dự án quy hoạch ga Đà Nẵng mới. Nhà ông Nguyễn Nhi có 11 người, 2 vợ chồng già, 3 cặp vợ chồng hai đứa con gái, một con trai, cháu ngoại cháu nội. Ông Nhi cho biết, 15 năm nay cả nhà ông chen chúc trong ngôi nhà cấp 4 chưa đầy 100m2. Tổng diện tích đất của gia đình ông tới 870m2 nhưng đành để không vì không thể tách thửa, chia cho con cái. Không chỉ riêng gia đình ông Nhi, trong hơn chục tổ dân phố ở đây có đến hơn một nửa số hộ dân có hoàn cảnh sống eo hẹp, tạm bợ như gia đình ông.

Anh Trương Văn Nghệ (P. Hòa Khánh Nam) đưa chúng tôi đi một vòng thực địa. Theo quan sát, các hệ thống đường dây điện đã xuống cấp, quấn bừa phứa không theo “nguyên tắc” nào cả. Khu dân cư với những con ngõ nhỏ nên hàng dây cứ thế cuốn theo chằng chịt. “Năm nào cũng có mấy trường hợp chập điện, tuy không gây chết người nhưng cũng đủ làm bà con chúng tôi hoang mang lắm”. Anh Võ Huỳnh Nhất Phương, cán bộ Văn phòng UBND P. Hòa Khánh Nam cho biết, cách đây 15 năm, hệ thống đường ống chỉ đảm bảo cung cấp cho hơn 400 hộ dân lúc đó, nhưng nay đã là hơn 2.000 hộ dân nên mùa nắng tình trạng thiếu nước liên tục xảy ra. Trước đây hộ dân nào cũng cógiếng đóng, giếng đào, nhưng nay đã bị ô nhiễm nặng, không thể sử dụng. Có lẽ đáng sợ nhất nơi đây là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Gần như 19 tổ dân cư không có hệ thống cống rãnh thoát nước.

Một người dân cạnh đó cho biết, nước sinh hoạt hằng ngày của các hộ gia đình cứ tự nhiên chảy tràn ra sân, ra đường rồi ngấm xuống đất. Sợ nhất là vào mùa mưa, nhiều con đường kiệt, hẻm còn là đường đất, nước mưa ứđọng, trộn lẫn nước thải, kể cả hầm cầu vệ sinh dềnh lên, lênh láng khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Mùa nắng nóng cũng không dễ chịu hơn vì sinh ra ruồi muỗi, kiến gián... khiến sinh hoạt của người dân không đảm bảo vệ sinh. Ngoài dự án đã quy hoạch còn có một khu nghĩa trang san sát với nhà người dân, những ngày mưa, nước từ các khu mồ mả chảy tràn cả vào nhà cửa của người dân sống ngay khu nghĩa địa.

Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng: “Siêu dự án” ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân - Anh 3

 Cuộc sống tạm bợ của người dân trong vùng dự  án

Người dân cần sự ổn định

Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu thừa nhận, ở khu vực Hòa Khánh Nam, bà con rất bức xúc vềchuyện nhà cửa chật chội, có đất mà không thể tách thửa cho con cái ra riêng. Qua đó còn nảy sinh thêm vấn đề xây dựng trái phép. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trước những bức xúc có cơ sở của người dân quận Liên Chiểu, từ năm 2006 đến nay, thành phố cũng đã ban hành hàng loạt các văn bản nhằm hỗ trợ, tháo gỡ tạm thời những vướng mắc, khó khăn cho người dân. Nhưng trong đó có quy định, người dân vẫn tiếp tục được xây dựng nhà, lợp mái nhẹ, diện tích không quá 50m2, được tách thửa đất một lần. Tuy nhiên phải cam kết, không nhận tiền đền bù khi giải tỏa. TP cũng đã đề nghị Bộ GTVT nhanh chóng có phương án phối hợp với các cơ quan thuộc UBND TP Đà Nẵng hoàn chỉnh phương án đầu tư, nguồn vốn thực hiện để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý II/2018 đề làm cơ sở triển khai tiếp theo.

“Dự án hình thành sẽ giúp phát triển đô thị một cách bền vững, thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân, giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường đồng thời rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc – Nam; tăng tính kết nối với hệ thống đường sắt, đường bộ, cảng biển (cảng Liên Chiểu) và các KCN. Đây là dự án rất cấp thiết cần triển khai sớm, là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Đà Nẵng”, một trong những báo cáo của UBND TP Đà Nẵng nêu ra. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khi dự án ga đường sắt mới quy hoạch vào năm 2003, toàn khu vực nằm trong dự án chỉ khoảng hơn 400 hộ dân, sau 15 năm đãhơn 2.000 hộ dân. Vậy sau 15 năm nữa nếu “siêu dự án” ga dường sắt vẫn không rục rịch, thì sẽ có bao nhiêu hộ gia đình mới hình thành trong khi tại vùng đất đã quy hoạch dựán, không được chuyển nhượng, tách thửa, xây dựng mới? 

 NGỌC HÀ

 

 

Ý kiến bạn đọc