Đồng tiền số phát triển kinh tế số

THỤY BẤT NHI

VHO - Liên quan đến đồng tiền kỹ thuật số, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: “Việt Nam không để chậm chân, không để mất cơ hội, không tạo khoảng cách hoặc khu biệt với các hình thái tài chính mới cũng như những phương thức giao dịch hiện đại”.

Đồng thời, Tổng Bí thư nhất trí với đề xuất của Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về việc cần sớm quản lý đồng tiền này dưới dạng một loại tài sản ảo để tránh các tác động tiêu cực đến nền kinh tế và các vấn đề xã hội, đồng thời giúp đóng góp giá trị cho kinh tế đất nước.

 Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ cần sớm thể chế hóa và cụ thể hóa để quản lý lĩnh vực này. Nghiên cứu áp dụng cơ chế thí điểm có kiểm soát (sandbox) để thành lập “sàn giao dịch” cho hoạt động này.

Trong bối cảnh đất nước đang chuyển biến sâu sắc, nhiều động thái thay đổi, thậm chí tận nền tảng tư duy, Tổng Bí thư đã chỉ rõ, cần thực hiện chính sách tài khóa mở rộng; chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng tiền tệ một cách thận trọng... Có vậy, hoạt động tài chính quốc gia mới thực sự là đòn bẩy quan trọng cho nền kinh tế vượt lên và khởi sắc.

Thực tế ai cũng thấy, trong hơn 10 năm qua, kinh tế thế giới đã biến động dữ dội, nhiều hình thái tài chính mới xuất hiện. Trong đó, mảng công nghệ số, tài chính số với những giá trị đầu tư mới, những hình thức tính toán, “tiền tệ hóa” các bài toán kinh tế. Đồng tiền kỹ thuật số đã ra đời với sự ủng hộ của nhiều tổ chức tài chính và quản trị công nghệ số “thông minh hơn”.

Những loại tiền kỹ thuật số dựa trên nền tảng tài chính số, những thuật toán xử lý giao dịch, tài chính với hệ thống dữ liệu khối, đã ra đời và tác dụng tốt vào guồng máy tài chính toàn cầu.

Trong đó, đồng tiền số như Bitcoin đã từ “giá trị ảo” được công nhận dần ở mạng lưới giao dịch, có lúc định giá vượt xa những đồng tiền như đô la Mỹ. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố năm đồng tiền số trong danh sách dự trữ chiến lược khiến loại tiền tệ này đang “hot” hơn bao giờ hết.

Song, đúng như Tổng Bí thư chỉ đạo, cần sớm quản lý đồng tiền này dưới dạng một loại tài sản ảo để tránh các tác động tiêu cực đến nền kinh tế và các vấn đề xã hội, đồng thời giúp đóng góp giá trị cho kinh tế đất nước.

Thực tế cho thấy, mức độ bất ổn của những đồng tiền số này khá cao. Các đồng tiền số đều do tính toán của con người lập ra, dựa trên các thuật toán của con người, liệu có bị can thiệp không, vẫn là câu chuyện phải được chứng minh tiếp.

Trong khi đó, nền tảng tài chính của các quốc gia vẫn luôn dựa vào đồng tiền chính thức phát hành với nền kinh tế quốc dân. Dù mở rộng phạm vi tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi, đa dạng về hoạt động tài chính quốc gia, nền tài chính nước nhà vẫn phải rất thận trọng khi tiếp nạp những hình thái tiền tệ mới.

Những băn khoăn nói trên và những nút thắt khác sẽ được tháo gỡ sau khi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được ban hành nhằm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Khi triển khai Nghị quyết trên thực tế, đồng tiền số cũng là từ khóa quan trọng được nhắc tới. Việc luật hóa sắp tới sẽ giúp định hình khung khổ, nền tảng pháp lý để phát triển ngành kinh tế số, tài sản số và tạo động lực để Việt Nam hình thành doanh nghiệp công nghệ tham gia vào quá trình thúc đẩy phát triển đất nước trong giai đoạn tới. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc