“Điểm nghẽn” xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở các KCN (Bài cuối): Không thể có giải pháp trong ngắn hạn

VHO- Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý, việc tìm và phân tích nguyên nhân về những “điểm nghẽn” trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các KCN, KCX không khó, vấn đề tổ chức triển khai, thực hiện các biện pháp như thế nào để khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua mới đáng quan tâm.

“Điểm nghẽn” xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở các KCN (Bài cuối): Không thể có giải pháp trong ngắn hạn - Anh 1

 Một sân bóng đá bên ngoài KCN Nhơn Trạch

 Văn Hóa đã ghi nhận một số ý kiến từ cơ quan chức năng và nhà nghiên cứu với mong đề xuất được những kiến giải cho vấn đề nêu trên.

“Vấn đề này cần nhìn một cách tổng thể”

Dưới góc độ là một tỉnh công nghiệp, dịch vụ có số lượng công nhân lớn, chúng ta cần nhìn nhận rằng, mặc dù Liên đoàn Lao động tỉnh và các công đoàn cơ sở đã có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao để phục vụ công nhân, người lao động, nhưng đôi khi họ cũng rơi vào tình trạng quá tải. Để nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân, tạo ra nhiều hoạt động vui chơi, giải trí tại các KCN cần phải có những cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của chủ đầu tư các KCN, đặc biệt là vai trò của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Hiện nay tại một số nhà máy trên địa bàn tỉnh Bình Dương, để phục vụ nhu cầu của công nhân, chuyên gia đến làm việc và sinh sống họ cũng có đầu tư xây dựng sân bóng đá mini, thậm chí sân golf, sân bóng chày để đáp ứng nhu cầu. Vì thế, cần nhìn vấn đề đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các KCN một cách tổng thể mới tìm ra được giải pháp, còn nếu cứ xoáy vào một ngành hay một địa phương thì “cái khó nó cứ bó mình hoài”. Nếu xây dựng được các thiết chế công đoàn là điều rất tốt, vì càng nhiều thiết chế công đoàn tập trung thì công nhân và cả người dân có nhiều cơ hội thụ hưởng các tiện ích đó. Tuy nhiên, thời gian hiện nay điều đó vẫn còn khó, chưa làm được, đòi hỏi cần phát huy vai trò của chủ đầu tư các KCN, ban giám đốc các nhà máy để chủ động xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ chính công nhân của mình.

(Ông CAO VĂN CHÓNG, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương)

“Phải quy hoạch được quỹ đất”

Hiện nay, về thực chất chưa thể nói đáp ứng được các nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của công nhân tại các KCN. Chúng tôi rất mong muốn có một thiết chế văn hóa, thể thao dành riêng cho đối tượng công nhân. Tuy nhiên, với cơ chế, chính sách hiện nay thì việc phát triển các dự án xây dựng các thiết chế công đoàn không chỉ của riêng địa phương mà nó còn liên quan đến các dự án chung của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ở các địa phương, chúng tôi vẫn xây dựng các mô hình văn hóa để phù hợp phục vụ người dân nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào việc quy hoạch đất dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao. Phải quy hoạch được quỹ đất dành cho các thiết chế này mới mong nhìn ra được các giải pháp. Do đó, đầu tiên vẫn phải là quy hoạch để có quỹ đất dành cho văn hóa, thể thao đủ lớn, thuận tiện cho người dân.

(Bà NGUYỄN THỊ MỘNG BÌNH, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai)

“Xây dựng thiết chế văn hóa đặc thù dành cho công nhân”

Tại Đồng Nai, lực lượng lao động rất lớn nên vấn đề nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân cũng rất được quan tâm. Tỉnh ủy Đồng Nai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có những chỉ đạo rất sát sao. Trong tỉnh, gần như huyện nào cũng có KCN nên việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đặc thù dành riêng cho công nhân như nhà văn hóa đa năng tại các KCN để đáp ứng được nhu cầu giải trí, thể dục thể thao một cách phù hợp với điều kiện đi làm việc của công nhân sẽ hiệu quả hơn.

(Bà NGUYỄN THỊ NHƯ Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai)

“Để giải quyết được vấn đề cần phải bàn thảo thẳng thắn”

Hiện nay chưa có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp, chủ các KCN, KCX phải xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trong khuôn viên để phục vụ nhu cầu của công nhân. Trong trường hợp nếu có quy định bắt buộc các chủ KCN, KCX xây dựng thì cũng khó khả thi vì khi xây dựng xong, đi kèm với đó là một bộ máy nhân sự để vận hành, tổ chức hoạt động thì những thiết chế này mới có thể phát huy hiệu quả. Nếu không sẽ lãng phí cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó chúng ta rất khó yêu cầu chủ doanh nghiệp, chủ các KCN, KCX đầu tư cơ sở văn hóa, thể thao phục vụ công nhân vì nó ảnh hưởng đến tổng vốn đầu tư, chi phí thuê mặt bằng. Trên thực tế, đất doanh nghiệp dùng trong các KCN, KCX là phải thuê tính theo mét vuông, chi phí vận hành, từ đó đội vốn đầu tư của DN. Điều này sẽ làm mất lợi thế cạnh tranh thu hút doanh nghiệp so với các địa phương khác. Chức năng chính của doanh nghiệp là sản xuất, tạo công ăn việc làm cho công nhân, còn việc vui chơi giải trí, với họ chỉ là thứ yếu. Về phía người công nhân, họ cũng không mặn mà với các hoạt động, dịch vụ văn hóa được tổ chức cho họ. Một ví dụ điển hình trong thực tiễn là những chương trình văn nghệ tại các KCN, KCX, nếu có phát quà, chơi trò chơi trúng thưởng thì công nhân mới đến xem đông, còn không thì rất lèo tèo. Có thực trạng này một phần vì chất lượng chương trình chưa cao nên chưa thu hút được công nhân, phần nữa thời gian rỗi của công nhân không nhiều vì phải tăng ca, mà bản thân họ cũng thích tăng ca để tăng thu nhập hơn là ở nhà nghỉ ngơi. Nhiều trường hợp có thời gian nhưng họ cũng không ưu tiên cho việc đến sân khấu ngồi xem vì nằm ở phòng, xem qua điện thoại thông minh, ti vi vẫn tiện, thoải mái hơn.

Để nâng cao đời sống văn hóa, thể thao cho công nhân tại các KCN, KCX thì không thể chỉ có giải pháp trong ngắn hạn vì đây là một vấn đề rất lớn. Vì vậy cần phải có sự tham gia bàn thảo sâu, rộng, thẳng thắn giữa các bên liên quan là chủ doanh nghiệp, chủ KCN, KCX, công đoàn cơ sở, chính quyền địa phương, thậm chí cần có sự vào cuộc quyết liệt cấp Trung ương. Về giải pháp dài hạn, cần có mấy điểm như: Thứ nhất, có cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp thuê đất giá rẻ hoặc thậm chí miễn tiền thuê đất đối với phần diện tích mà doanh nghiệp thuê để xây dựng thiết chế phục vụ đời sống văn hóa, thể thao cho công nhân; cần có cơ chế, chính sách miễn thuế đối với phần tài chính mà doanh nghiệp đã đầu tư vào việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa công nhân, hoặc xem đó như là một cơ sở ưu tiên để xem xét giảm thuế, miễn thuế.

Thứ hai, chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách để thành lập một đơn vị sự nghiệp công lập chuyên tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ phục vụ công nhân. TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đều có số lượng công nhân rất lớn, do đó việc thành lập một đơn vị sự nghiệp công lập về văn hóa, nghệ thuật để phục vụ cho hàng triệu công nhân cũng là điều cần thiết. Thứ ba, trong trường hợp các tỉnh, TP không thực hiện được như vậy thì trong các đơn vị sự nghiệp công lập về văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh, thành phố nên thành lập một bộ phận chức năng chuyên trách về tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ công nhân.

(TS NGUYỄN HỒ PHONG, Đại học Văn hóa TP.HCM)

 

SONG HÀ

Ý kiến bạn đọc