Cuộc chiến chống buôn lậu cuối năm

THẾ TUẤN

VHO - Ở thời điểm này, khi năm 2024 sắp đi qua và Tết cổ truyền đang đến gần thì tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng cũng ngày một “nóng”.

Cuộc chiến chống buôn lậu cuối năm - ảnh 1
Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng có dấu hiệu vi phạm (ảnh minh họa). Ảnh: B.LÂM

Tại Hải Dương, đầu tháng 11, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) của tỉnh này kiểm tra đột xuất hai hộ kinh doanh, phát hiện, thu giữ, xử lý gần 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, phụ kiện làm đẹp là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Sử dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi gian lận

Đáng chú ý, mạng xã hội Facebook, TikTok và Zalo là phương thức bán hàng được nhiều đối tượng sử dụng để đăng hình, bài viết, clip chào bán những sản phẩm chủ yếu hàng giả, kém chất lượng. Đại diện Cục QLTT Hải Dương cho biết, việc các đối tượng sử dụng nền tảng mạng xã hội gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng khi truy vết, xác định địa điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa… làm cơ sở cho việc kiểm tra, xử lý.

Thủ đoạn của các đối tượng buôn hàng giả là tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước. Hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh nên khó phát hiện. Về chuyện một số sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký vẫn hoạt động tại Việt Nam, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng việc đăng ký chỉ là bước đầu. Quan trọng hơn, hệ thống pháp luật cần phải giám sát để tránh thất thu thuế, quản lý chất lượng hàng hóa. Việc bán hàng giả là lừa đảo khách hàng nên cần phải xử lý nghiêm.

Còn theo LS Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc kinh doanh hàng giả thông qua livestream, bán rầm rộ và có kho hàng trên mạng xã hội là hoạt động vi phạm có tổ chức, cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, có thể xem xét hành vi để không chỉ phạt hành chính mà còn xử lý hình sự.

Hà Nội kiểm soát các địa bàn trọng điểm

Tại Hà Nội và nhiều địa phương khác trong cả nước, thời điểm cuối năm nhu cầu nguyên liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp tăng mạnh nên hoạt động buôn lậu, hàng giả diễn biến phức tạp. Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho thấy, trong tháng 10.2024 lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 2.572 vụ, xử lý 2.295 vụ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Qua đó đã thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 294,3 tỉ đồng.

Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường cất giấu hàng lậu, hàng giả lẫn trong hàng hóa thông thường hoặc đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới rồi vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh. Các đối tượng buôn lậu thường tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, khu chung cư cao cấp. “Hiện trên địa bàn Hà Nội có đến 500 doanh nhiệp vận chuyển bưu chính, nhưng không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa, đồng thời thanh toán qua trung gian... nên việc xác minh thông tin đối tượng buôn bán hàng lậu không dễ”, ông Hùng nói.

Trong khi đó, thông tin từ Cục Hải quan TP Hà Nội cho biết, mặc dù các vụ việc có dấu hiệu hình sự trong tháng 10.2024 giảm so với cùng kỳ năm 2023 nhưng nổi lên hiện tượng sử dụng pháp nhân công ty đã đăng ký kinh doanh để cố ý gian lận. Điển hình là giả mạo thông tin người đại diện theo pháp luật, công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, sử dụng trái pháp luật chữ ký số, tài khoản ngân hàng... làm thủ tục nhập khẩu trái pháp luật đối với hóa chất là mặt hàng kinh doanh hạn chế theo quy định của pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, những tháng cuối năm, đặc biệt khi Tết Nguyên đán tới gần việc buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả sẽ diễn ra phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, tập trung kiểm tra các điểm “nóng” của lực lượng chức năng. Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, để ngăn chặn các đối tượng buôn lậu sản xuất hàng giả, Cục phối hợp với Công an, Cục Hải quan, Cục Thuế TP Hà Nội và các Sở: Y tế, NN&PTNT, Tài chính thành lập đoàn liên ngành tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát các kho hàng, bến bãi chứa hàng hóa, các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp, ga Yên Viên, ga Gia Lâm và các bến xe, sân bay...

TP.HCM “đánh” mạnh vào hàng giả

Tại TPHCM, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, nhất là ở một số nhóm hàng như dược phẩm, thực phẩm, thuốc lá điện tử, mỹ phẩm, xăng dầu, đường cát, vàng trang sức mỹ nghệ và một số nhóm hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt ở thời điểm khi Tết Nguyên đán đã đến gần.

Hai “điểm nóng” bán hàng giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới tại TP.HCM là Trung tâm Thương mại Saigon Square và chợ Bến Thành, đều ở quận 1. Phần lớn các sạp kinh doanh quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, mắt kính tại 2 điểm này đều là hàng giả, hàng nhái. Lực lượng QLTT đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng chưa có biến chuyển rõ nét... Vì vậy, TP.HCM đã và đang triển khai quyết liệt các chiến dịch truy quét và xử lý các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái thương hiệu trên địa bàn. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM cho biết, trong 9 tháng, lực lượng QLTT thành phố đã kiểm tra, xử lý 30 vụ vi phạm tại Saigon Square, tạm giữ 986 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 213,5 triệu đồng và xử phạt hơn 223,5 triệu đồng. Các sản phẩm vi phạm chủ yếu là quần áo, túi xách, ví... không có hóa đơn và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Ngoài ra, đơn vị cũng kiểm tra, xử lý 937 vụ vi phạm về hàng giả, tạm giữ số lượng tang vật hơn 111.000 đơn vị sản phẩm, gồm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồng hồ, hàng thời trang, hàng tiêu dùng với tổng trị giá hơn 10,1 tỉ đồng và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp số tiền hơn 11,1 tỉ đồng. Đáng lo ngại là hàng giả không chỉ tràn lan tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại mà còn lan về các vùng ngoại thành nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Luật gia Phan Thị Việt Thu (Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM) cho biết, tình trạng hàng giả đã trở thành vấn nạn, không chỉ với hàng sản xuất trong nước mà còn với hàng nhập khẩu. Hàng giả đe dọa an toàn của người tiêu dùng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Bao nhiêu năm nay, cơ quan chức năng “chiến đấu” với hàng giả nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. 

 Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh vừa ký ban hành Kế hoạch số 13 về việc triển khai thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Đồng thời kiểm soát hàng hóa kinh doanh online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok; kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm.