Cơ hội của sản xuất

THỤY BẤT NHI

VHO - Sự việc Chính phủ Mỹ áp dụng biểu suất thuế đối ứng đang làm dấy lên những thông tin tiêu cực, nhưng dưới lăng kính sản xuất lại là một dấu hiệu tích cực, thúc đẩy những nỗ lực đầu tư sản xuất hiện thực hơn.

 

Không ít chuyên gia kinh tế nhìn nhận, tất nhiên thuế bị áp cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị thương mại toàn cầu, nhất là với những quốc gia bị đánh giá thuế đối ứng quá cao, phần lớn dòng chảy hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị chặn lại, làm nảy sinh những tâm lý chống đối. 

 Song khi nhìn vào năng lực sản xuất nội địa, cộng đồng doanh nghiệp cũng thừa nhận, thuế suất mới đang tạo áp lực thay đổi tích cực. Bởi lẽ những mặt hàng sẽ bị áp thuế cao đều liên quan đến các loại sản phẩm nguyên liệu nhập khẩu, hàng hóa mua ngoài…

Thực chất nền sản xuất nội tại, về khai thác lâm sản, phát triển nông nghiệp, và nhất là ứng dụng trí tuệ làm ra các sản phẩm sáng tạo thì sẽ không bị thuế đối ứng ảnh hưởng.

Ngược lại, hàng hóa sản xuất thực tế trên tài nguyên và năng lực quốc gia lại có nhiều cơ hội để tăng tiến. Đơn cử, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tỷ lệ xuất nhập rau quả Việt Nam và Mỹ không chênh lệch quá lớn.

Năm 2024, Việt Nam xuất vào Mỹ 360,4 triệu đô la hàng hóa nông sản, chủ yếu trái cây nhiệt đới thì cũng nhập hoa quả ôn đới trị giá đến 543 triệu đô la. Như thế, dư địa để nông sản Việt vào thị trường này mà không bị áp thuế đối ứng còn khá cao.

Trong bối cảnh các nước không ủng hộ thuế suất của Mỹ, quay sang tìm những nguồn hàng khác, rõ ràng nông sản Việt càng có cơ hội “lấn sân” sang nhiều thị trường mới hơn nữa. Với các mặt hàng sản xuất khác như gỗ, may mặc…, thuế đối ứng cũng rất hạn chế áp đặt trên những sản phẩm dùng nguyên liệu và công nghệ tại chỗ.

Do đó, nhận định thuế suất mới ảnh hưởng đến thương mại là đúng, nhưng với địa hạt sản xuất, sẽ làm tăng điều kiện đầu tư và vận động phát triển.

Một chủ doanh nghiệp xuất khẩu cơ kim khí tại Đà Nẵng bày tỏ, thông tin về thuế suất mới đang ảnh hưởng trực tiếp đến những đơn hàng của công ty ông. Song nếu thời gian tới, chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh vào đầu tư năng lực luyện kim quốc gia với những đơn vị đầu tàu triển khai các nhà máy chế tạo, luyện kim mạnh, rõ ràng thách thức nhập khẩu nguyên liệu sẽ giảm.

Từ đó, các sản phẩm kim khí Việt Nam sẽ có lại cơ hội đi vào thị trường Mỹ với các mức giá hợp lý hơn, khả năng cạnh tranh cao hơn. Rõ ràng qua các lăng kính phản ảnh, cơ hội cho sản xuất đang được đặt ra.

Các tổ chức, doanh nghiệp cần tỉnh táo nhận định đúng tình hình, chọn ra các phân khúc sản phẩm, dịch vụ có lợi thế, có năng lực thật sự, sẽ có thêm cơ hội. Quan trọng là chính sách quản lý, hỗ trợ từ các cấp ngành sẽ ra sao, mà tín hiệu này, thật sự lại đang lạc quan bởi những định hướng chuyển biến mạnh mẽ trong bộ máy hành chính quốc gia hiện nay.

Riêng về lĩnh vực nông sản, có thể thấy, cơ hội cho những vùng chuyên canh sản xuất là nhiều hơn.

Các khu vực nông nghiệp đặc thù ở Tây Nguyên, đồng bằng Tây Nam Bộ sẽ là những điểm thu hút đầu tư sản xuất đầy ưu thế; chỉ cần được cải thiện môi trường đầu tư, tổ chức bảo quản và chế biến chuyên sâu, xây dựng hệ thống logistics hiệu quả, là sẽ có được nhiều cơ hội để xâm nhập thêm các thị trường mới, gồm cả thị trường Mỹ.

Rõ ràng trong mọi nguy cơ luôn tồn tại cơ hội mới. Nếu nhận chân đúng vấn đề, đặc biệt tập trung vào năng lực chuyên môn, chủ động nguồn nguyên liệu, năng lượng, sức mạnh sản xuất của các ngành đầu tư Việt Nam sẽ được khai phá tốt hơn.

Điều này không chỉ giúp cải thiện năng lực nội địa, mà còn thay đổi hẳn bối cảnh xuất khẩu, không e ngại gì những biểu suất thuế quan.