Bảo Lâm - 30 năm xây dựng và phát triển
VHO - Từ một huyện còn nhiều khó khăn sau ngày thành lập, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) sau 30 năm xây dựng và phát triển đã thực sự “thay da đổi thịt” với những thành tựu nổi bật ở nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội...
Nằm ở phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, huyện Bảo Lâm, chính thức được thành lập vào ngày 11.7.1994 trên cơ sở tách ra từ huyện Bảo Lộc cũ. Đến nay, huyện có 13 xã, 1 thị trấn với dân số khoảng 122 ngàn người, gồm 31 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nhân dân các dân tộc nơi đây đã một lòng theo Đảng, đoàn kết, chiến đấu anh dũng để bảo vệ quê hương, buôn làng và góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Nhân dân địa phương trong các cuộc kháng chiến, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 4 xã gồm: Lộc Bắc, Lộc Lâm, Lộc Nam và Lộc An.
Những thành tựu nổi bật
Cùng với sự phát triển của đất nước, sau 30 thành lập và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc, huyện Bảo Lâm đã chung sức, đồng lòng, cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất và để xây dựng quê hương Bảo Lâm thành vùng đất giàu đẹp, trù phú, đầy sức sống trên dải đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ.
Theo đó, kinh tế huyện trong 30 năm qua luôn tăng trưởng ổn định, với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 7% đến hơn 13% ở từng giai đoạn. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch rõ rệt từ nông - lâm nghiệp (chiếm 89,7% năm 1994) sang công nghiệp, xây dựng (53,14%) và dịch vụ (16,08%) vào năm 2024.
Trong đó, nông nghiệp vẫn là nền tảng phát triển kinh tế của huyện, nhưng đã được chuyển đổi theo hướng hiện đại và bền vững.
Huyện đã xác định và đưa chương trình chuyển đổi giống cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả là một trong 6 chương trình trọng tâm của huyện. Đây được xem như là giải pháp tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng được huyện quan tâm thực hiện. Đến nay trên địa bàn huyện có 18 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 64 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Huyện cũng đã xây dựng các vùng chuyên canh cà phê, chè, dâu tằm và cây ăn quả với tiêu chuẩn VietGAP, tăng năng suất và giá trị kinh tế. Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đạt hơn 16 ngàn ha, chiếm 30,5% diện tích đất nông nghiệp.
Về tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện cũng phát triển khá nhanh và ổn định trong những năm qua với giá trị sản xuất tăng bình quân 23,59%/năm, theo hướng phục vụ nông nghiệp - nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động.
Đến nay trên toàn huyện có 48 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, chủ yếu trên các lĩnh vực công nghiệp chế biến, thủy điện, khai thác khoáng sản… Nổi bật là ngành công nghiệp khai thác khoáng sản với Công ty khai thác bauxit nhôm được đưa vào sản xuất ổn định.
Các công trình thủy điện trên địa bàn đạt sản lượng điện hàng năm khoảng 2.900 triệu KWh cung cấp điện cho địa phương và hòa vào lưới điện quốc gia, đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về phát triển văn hóa, giáo dục và y tế, huyện đã đầu tư nâng cấp 60 trường học với 783 phòng học, 100% trường đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống y tế phát triển từ một trung tâm đơn sơ thành mạng lưới gồm 14 trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện hiện đại.
Bên cạnh đó, các công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện cũng như công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội luôn được xem là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Chính từ những kết quả trên, đã kéo theo thu nhập bình quân đầu người từ 3,1 triệu đồng/năm (1994) tăng lên 58 triệu đồng/năm (2024), tăng gần 18 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 11,5% (1994) xuống còn 1,85% (2024). Huyện cũng đạt chuẩn nông thôn mới với 100% xã đạt tiêu chí cần thiết.
Định hướng phát triển bền vững trong tương lai
Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, huyện Bảo Lâm đã từng bước đi lên phát triển không ngừng. Kết quả đạt được trong thời gian qua là hết sức quan trọng, tạo nền tảng cho việc tiếp tục phát triển toàn diện và bền vững giai đoạn tiếp theo.
Với tiềm năng lớn và những nền tảng đã xây dựng, huyện Bảo Lâm đặt mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường trong những năm tiếp theo.
Cụ thể, về phát triển kinh tế, huyện sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng các sản phẩm chủ lực như cà phê, sầu riêng và mắc ca. Thương hiệu sản phẩm sẽ được xây dựng để vươn ra thị trường quốc tế. Đến năm 2030, huyện đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp năng lượng của tỉnh Lâm Đồng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính, phát triển kinh tế và cung cấp dịch vụ công sẽ được thúc đẩy. Tỷ lệ thủ tục hành chính trực tuyến dự kiến đạt 100% vào năm 2030.
Nâng cao đời sống văn hóa - xã hội của người dân theo hướng tăng cường bảo tồn văn hóa bản địa, phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng và cải thiện hệ thống giáo dục. Đồng thời, chất lượng y tế sẽ được nâng cao với các trang thiết bị hiện đại và chính sách chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Bảo vệ môi trường và ổn định quốc phòng bằng cách phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng và cảnh quan tự nhiên là nhiệm vụ trọng tâm. Song song, huyện duy trì ổn định an ninh chính trị, đảm bảo an toàn xã hội để tạo môi trường phát triển bền vững.
Tin tưởng rằng, với những thành tựu đạt được trong 30 năm qua sẽ là tiền đề quan trọng để huyện Bảo Lâm cùng với cả nước thực hiện mục tiêu bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.