Quảng Ngãi: Sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng, miền

VHO- Chương trình OCOP đã lan toả mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Qua đó, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.

Quảng Ngãi: Sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng, miền - Anh 1

Sản phẩm chả mực đạt OCOP 4 sao của Công ty TNHH MTV KITA

Chả mực đạt sản phẩm OCOP 4 sao và chả cá đỏ đạt sản phẩm OCOP 3 sao là sản phẩm của Công ty TNHH MTV KITA ở xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi. Thông qua xây dựng sản phẩm OCOP, Công ty đã phát huy giá trị gia tăng các mặt hàng được khai thác từ biển. Trước đây, các mặt hàng thủy sản như: mực, cá đỏ chỉ xuất bán với nguyên liệu thô. Thông qua chế biến thành sản phẩm OCOP, các sản phẩm này đã được đóng gói, bao bì và tẩm gia vị để trở thành các loại thức ăn nhanh phục vụ cho tiêu dùng. Và giá trị tăng thêm từ 2 - 3 lần so với bán nguyên liệu cấp đông. Mỗi tháng cung cấp cho thị trường Quảng Ngãi, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh khoảng 1 tấn sản phẩm.

Quảng Ngãi: Sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng, miền - Anh 2

Cơ sở sản xuất của chị Trương Thị Ly (thứ 3 từ phải sang) tạo việc làm ổn định cho 5 lao động ở địa phương

Chị Trương Thị Ly, Giám đốc Công ty TNHH MTV KITA cho biết, năm 2019, vợ chồng chị tiến hành thành lập công ty chuyên sản xuất chả cá, chả mực để phát triển sản phẩm của địa phương theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm, giữ được nét đặc trưng của sản phẩm. Từ nghề làm chả cá của mình, bình quân mỗi năm gia đình chị Ly có thu nhập gần 500 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động là những phụ nữ nghèo, khó khăn với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. 
“Công ty tôi hoạt động với phương châm tạo ra những sản phẩm đặc thù của địa phương, đặc sản Quảng Ngãi một cách bài bản, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập ngay chính quê hương mình, phấn đấu là một nhà kinh doanh có trách nhiệm”, chị Ly bày tỏ.

Quảng Ngãi: Sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng, miền - Anh 3

Các sản phẩm OCOP của huyện miền núi Sơn Hà

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay, huyện miền núi Sơn Hà có 7 sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả kinh tế, thay đổi nhận thức và nâng cao thu nhập cho người dân. Các sản phẩm được hỗ trợ liên kết, kí hợp đồng tiêu thụ, bày bán trong hệ thống siêu thị lớn như Big C, Coopmart hoặc cửa hàng OCOP và các nhà hàng trong tỉnh. 
Sản phẩm chuối hột rừng sấy khô của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy vừa được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Sản vật đặc trưng của núi rừng Sơn Hà giờ càng đến gần hơn với người tiêu dùng. HTX được thành lập năm 2019, và đến cuối năm 2022 đã nhận “quả ngọt” khi có sản phẩm OCOP được đánh giá 3 sao. Chứng nhận OCOP đã giúp người dân ở xã Sơn Thủy có cơ hội nâng cao được thu nhập từ sản vật quê hương. 

Quảng Ngãi: Sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng, miền - Anh 4

Sản phẩm chuối hột rừng sấy khô đạt chuẩn OCOP 3 sao

Anh Đinh Văn Trun, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy cho biết, HTX thu mua lại của bà con để tạo ra một sản phẩm lớn hơn. Mục đích đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Mặc dù đây chưa phải là nguồn thu nhập chính nhưng cũng giúp bà con có tiền xoay xở trong cuộc sống. 
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 124 sản phẩm OCOP, các sản phẩm OCOP đều được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu tập thể và tạo được dấu ấn riêng trên thị trường. Các sản phẩm OCOP được trưng bày và bán tại các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, các siêu thị, các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Posmart.vn, lazada, shopee, tiki. Quảng Ngãi đã đưa sản phẩm OCOP để làm quà tặng phục vụ cho khách du lịch tham quan trong và ngoài tỉnh, các hội nghị, hội thảo. Các gói quà tặng OCOP đã được các tổ chức, cơ quan, đơn vị sử dụng làm quà tặng cho đoàn viên công đoàn, bạn bè, người thân. Bước đầu mang lại hiệu ứng tốt giúp chủ thể bán được hàng hóa. 

Quảng Ngãi: Sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng, miền - Anh 5

Sản phẩm OCOP phục vụ tại các hội nghị, hội thảo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết: “Tỉnh Quảng Ngãi sẽ nâng cao giá trị sản phẩm OCOP hiện có lên. Hiện nay đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng sở Công thương và các sở, địa phương có liên quan rà soát lại các sản phẩm OCOP được thị trường đánh giá cao tiếp tục hỗ trợ để phát triển lên tầm mới, từ 3 sao lên 4 sao đi vào các Trung tâm thương mại không chỉ trên địa bàn tỉnh mà cả nước. Sản phẩm OCOP của Quảng Ngãi cạnh tranh với sản phẩm OCOP cả nước, kể cả các nước trong khu vực”.

Quảng Ngãi: Sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng, miền - Anh 6

Sản phẩm OCOP của Quảng Ngãi

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, có 200 sản phẩm OCOP. Trong đó, có khoảng 3 đến 5 sản phẩm đạt 5 sao. 10% chủ thể OCOP có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên thực hiện mô hình theo chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Đẩy mạnh kết nối quảng bá, xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP ra thị trường cả nước và xuất khẩu. Từng bước hiện thực hóa việc nâng cao chất lượng, đảm bảo quy chuẩn, tính chuyên nghiệp của sản pẩm OCOP. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc