Tái lấn chiếm trái phép gầm cầu đường bộ tại Hải Phòng: Buông lỏng hay đùn đẩy quản lý?

VHO- Sau rất nhiều nỗ lực của chính quyền và ngành chức năng nhưng tình trạng chiếm dụng trái phép nhiều gầm cầu đường bộ làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, đỗ xe, buôn bán… trên địa bàn TP Hải Phòng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tái lấn chiếm trái phép gầm cầu đường bộ tại Hải Phòng: Buông lỏng hay đùn đẩy quản lý? - Anh 1

 Hoạt động tập kết vật liệu xây dựng dưới chân cầu Kiến An ngang nhiên diễn ra bất chấp nỗ lực dẹp

Nhiều năm qua, khu vực gầm cầu Kiến An trên đường Hoàng Thiết Tâm, phường Bắc Sơn bị Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Kiên Thịnh chiếm dụng làm ga-ra sửa chữa ô tô. Tại báo cáo số 98/ BC-UBND ngày 29.3, UBND quận Kiến An khẳng định đã xử lý dứt điểm tình trạng này, giải phóng mặt bằng gầm cầu bàn giao cho Công ty cổ phần Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng quản lý làm ga trung chuyển rác theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Bắt cóc bỏ đĩa

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào thời điểm đầu tháng 5, khu vực này vẫn tiếp tục bị chiếm dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng. Tấm biển của Công ty Vận tải và đại lý vật liệu xây dựng Ánh Hồng còn nguyên. Hàng khối gạch được tập kết ngay sát gầm cầu, cao chất ngất, che khuất tầm nhìn của các phương tiện khi lưu thông qua đây. Tuyến đường dưới cầu khá nhỏ hẹp nhưng lượng người và phương tiện lưu thông đông, nhất là vào giờ tan tầm. Hoạt động tập kết vật liệu xây dựng ở khu vực này không chỉ vi phạm hành lang an toàn cầu đường bộ mà còn gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị.

Trước đó, từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng liên tục gửi văn bản báo cáo và đề nghị UBND quận Hải An phối hợp sớm xử lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp cắt rào chắn, chiếm dụng khu vực gầm cầu để làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, để xe chuyển bê tông, gỗ, thùng công-ten-nơ, các cục bê tông… Mỗi ngày, hàng chục chuyến xe máy xúc, ô tô các loại nườm nượp đi vào bãi tập kết nằm trong hàng rào sắt bảo vệ cầu để chở vật liệu xây dựng, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn.

Không chỉ có cầu Kiến An, cầu Bạch Đằng, thống kê của Sở GTVT Hải Phòng cho thấy, nhiều cầu đường bộ khác trên địa bàn thành phố cũng đang bị một số cá nhân, tổ chức chiếm dụng mặt bằng gầm cầu để tập kết vật liệu xây dựng, máy móc hay đỗ xe, bán hàng… Mặc dù, UBND thành phố quyết liệt chỉ đạo các địa phương, Sở GTVT và các đơn vị liên quan vào cuộc chấn chỉnh, tuy nhiên, các vi phạm này vẫn tái diễn. Việc giải quyết vẫn theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, sau khi ra quân làm sạch mặt bằng một thời gian ngắn lại bị lấn chiếm trở lại. Đơn cử như ở khu vực gầm cầu An Đồng (đoạn từ đường Lán Bè đến mép sông) sau một thời gian dẹp sạch đến nay, tình trạng đỗ xe ô tô tiếp tục tái diễn. Gầm cầu An Đồng phía huyện An Dương, tình trạng tập kết vật liệu, thiết bị, trông giữ xe ô tô… vẫn diễn ra tấp nập. Ở khu vực gầm cầu Niệm 1, dù UBND quận Kiến An chỉ đạo UBND phường Lãm Hà kiên quyết xử lý các hộ lấn chiếm hành lang, tháo dỡ để trả lại mặt bằng nhưng đến nay, vẫn còn hộ ông Phạm Minh Khoát kinh doanh vật liệu xây dựng dưới gầm cầu.

Cần chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm

Theo đại diện Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông (Sở GTVT), do gầm của nhiều cầu vượt đường bộ chưa có hệ thống rào chắn nên dù cơ quan chức năng ra quân chấn chỉnh, xử lý nhưng chỉ được một thời gian ngắn là lại bị các cá nhân, tổ chức lấn chiếm lại.

Riêng với các cầu vượt Đông Hải, Lạch Tray, An Đồng, Lương Quán nằm trên trục đường Quốc lộ 5 – tuyến đường do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) quản lý, cuối tháng 1.2019, Sở GTVT phối hợp với chính quyền huyện An Dương và các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An thu hồi các bãi đỗ xe, kinh doanh giải phóng mặt bằng gầm cầu để bàn giao cho VIDIFI quản lý. Tuy nhiên, phía VIDIFI không nhận bàn giao. Ngày 28.1, Sở GTVT gửi văn bản tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị đơn vị này chỉ đạo VIDIFI tiếp nhận quản lý gầm cầu và hành lang các cầu Đông Hải, Lạch Tray, An Đồng, Lương Quán nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Tổng cục Đường bộ.

Còn theo đại diện UBND phường Lam Sơn (quận Lê Chân), khu vực gầm cầu An Đồng đoạn từ đường Lán Bè đến mép sông nằm trong địa giới hành chính của phường. Tuy nhiên, do không có rào chắn, biển cấm nên UBND phường không thể ngăn cản các chủ phương tiện đỗ xe tại đây. Để nâng cao hiệu quả quản lý đối với khu vực này, cuối năm 2018, UBND phường tiến hành bàn giao mặt bằng cầu An Đồng đã giải phóng về Sở GTVT quản lý.

Như vậy, có thể thấy, việc quản lý bảo đảm an toàn hành lang cầu đường bộ trên địa bàn thành phố hiện đang bị buông lỏng. Giữa ngành chức năng, chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm sang nhau. Ngoài việc thanh tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm, giải tỏa các công trình xây dựng, điểm kinh doanh trái phép, Sở GTVT và chính quyền các địa phương cần tích cực vào cuộc, phát huy hết trách nhiệm trong quản lý giữ gìn an toàn hành lang các cầu đường bộ trên địa bàn. 

 HOÀI ANH

Ý kiến bạn đọc