Góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

VHO- Hiện nay, Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc xây dựng dự thảo Luật là cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25.5.2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; là cơ sở để hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ; khắc phục những tồn tại, bất cập về chính sách giao thông đường bộ trong thời gian qua; đồng thời, bổ sung những thiếu hụt về chính sách đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông… Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo Luật, chúng tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ - Anh 1

 Học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ

 Thứ nhất, Khoản 4 Điều 6 dự thảo Luật quy định: “4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại địa phương, có hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp đến đồng bào dân tộc thiểu số, người nước ngoài”.

Để đảm bảo bao quát hết đối tượng được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cần bổ sung quy định cụ thể về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; đồng thời, bổ sung thêm phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung này như sau: “4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ tại địa phương, có hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến phù hợp đến đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và người nước ngoài”.

Thứ hai, Khoản 16 Điều 8 dự thảo Luật quy định: “16. Ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ”. Đề nghị bổ sung “người tham gia giao thông” cho đầy đủ, vì người tham gia giao thông vẫn thuộc đối tượng được bảo vệ khi tham gia giao thông. Do đó, nội dung này cần sửa lại như sau: “16. Ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào người và phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ”.

Thứ ba, Khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật quy định: “2. Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ”. Quy định như vậy sẽ dẫn đến cách hiểu: Nếu xe ô tô không trang bị dây đai an toàn hoặc dây đai an toàn bị hỏng, nhưng chủ xe ô tô không sửa chữa, khắc phục thì không cần phải thắt dây đai an toàn. Do đó, để nâng cao trách nhiệm của chủ xe cũng như đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, đề nghị bỏ cụm từ “tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn” và sửa lại nội dung này như sau: “2. Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ”.

Góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ - Anh 2

Tình trạng ném đá vào phương tiện tham gia giao thông vẫn liên tục diễn ra

Thứ tư, dự thảo Luật quy định quy tắc giao thông cho các phương tiện như vượt xe và nhường đường (Điều 13), chuyển hướng xe (Điều 14), sử dụng đèn (Điều 19)... Tuy nhiên, đối với phương tiện giao thông thô sơ thì các quy định trên không phù hợp vì không được trang bị đèn, còi tín hiệu. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về quy tắc giao thông dành riêng cho các loại xe thô sơ, phù hợp với thiết kế và trang thiết bị của các loại xe này nhằm bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

Thứ năm, Điểm a Khoản 4 Điều 43 dự thảo Luật quy định thu hồi giấy phép lái xe trong trường hợp người được cấp phép không đủ điều kiện sức khỏe theo quy định đối với hạng giấy phép điều khiển. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc quy định theo hướng: Nếu đủ điều kiện sức khỏe của hạng giấy phép lái xe khác thì có thể làm thủ tục để chuyển sang hạng phù hợp, tạo thuận lợi cho người điều khiển phương tiện.

Thứ sáu, Điểm đ Khoản 4 Điều 54 và Điều 57 quy định về việc huy động người, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự trong trường hợp khẩn cấp. Vì vậy, đề nghị rà soát, đánh giá sự phù hợp của quy định trên với quy định trong Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thứ bảy, dự thảo Luật đưa ra nhiều nội dung mới, như việc thay đổi cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bổ sung một số thủ tục trong quản lý phương tiện, an toàn giao thông đường bộ... và các quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân, tổ chức. Do đó, đề nghị rà soát, xác định các nội dung, quy định cần có lộ trình và chuyển tiếp thực hiện để bổ sung điều khoản chuyển tiếp vào dự thảo Luật. 

Luật sư ĐỖ VĂN NHÂN

Ý kiến bạn đọc