Ý nghĩa từ những “Giờ học lịch sử”
VHO- Triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh đưa di sản văn hóa vào trường học để giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Các điểm di sản, trung tâm trưng bày văn hóa trên địa bàn tỉnh đều trở thành địa điểm học tập để học sinh tất cả lứa tuổi có thể trực tiếp tham quan, trải nghiệm.
Học sinh tham quan và tìm hiểu văn hóa truyền thống Ảnh: NGỌC LÂN
Từ năm 2020, Sở GD&ĐT và Sở VHTTDL tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp về “Hoạt động giáo dục thông qua di sản văn hóa và tổ chức học tập ngoại khóa tìm hiểu về di sản văn hóa địa phương tại các bảo tàng, di tích trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2020-2025. Trong đó, năm 2023, những “Giờ học lịch sử” được các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đẩy mạnh. Như tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận đã đón 67 đoàn với hơn 4.000 học sinh tham quan, tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tìm hiểu về Trường Dục Thanh - nơi Bác Hồ dừng chân dạy học. Còn tại Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh, đón 13 đoàn với hơn 1.300 học sinh. Đặc biệt, tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ (xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc), đã đón gần 8.000 học sinh và giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh tham quan.
Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cũng đã linh hoạt trong việc tổ chức trưng bày, triển lãm tranh lưu động về “Bảo tồn di sản văn hóa địa phương” tại một số trường học; trưng bày các chuyên đề ảnh giới thiệu di tích, lễ hội, thắng cảnh... phục vụ học sinh đến tham quan, nghiên cứu tại di tích tháp Pô Sah Inư; mời nghệ nhân trình diễn nghề truyền thống, biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm vào dịp hè, lễ, tết phục vụ học sinh tham quan, nghiên cứu. Tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình đã mời nghệ nhân trình diễn, hướng dẫn cho học sinh tham gia trải nghiệm thực hành về nghề dệt thổ cẩm, nghề gốm và bánh gừng truyền thống của người Chăm hay tổ chức các trò chơi dân gian Chăm như bịt mắt đập niêu, thảy que vào bình gốm, đội nước tiếp sức bằng bình gốm...
Nhiều trường học trong tỉnh cũng đã linh hoạt khai thác nguồn di tích, lễ hội văn hóa, làng nghề tại địa phương để đưa học sinh đến tìm hiểu học tập. Tổ chức hoạt động giáo dục với chủ đề “Di sản văn hóa ở quanh ta”, cuộc thi vẽ tranh, đố vui về di tích lịch sử… Đây là cách “vừa chơi, vừa học” giúp các em thêm yêu di sản quê hương.
HOÀNG MINH