Xử lý nghiêm hành vi bạo hành trẻ mầm non
VHO- Ngày 14.7 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh một cô giáo mầm non thẳng tay bạo hành một học sinh mới 3 tuổi. Theo đó, cô đang đi ra cửa lớp thì bất ngờ quay lại, tiến đến trước mặt bé gái ngồi trên ghế nhựa và thẳng tay tát vào mặt bé. Không dừng lại ở đó, cô này còn kéo lê bé vào trong, tiếp tục tát và đá em. Sự việc diễn ra trước mặt nhiều học sinh và giáo viên khác.
Cô Phượng bạo hành trẻ ngay trước mặt nhiều học sinh và giáo viên khác (Ảnh chụp từ clip)
Sau khi đoạn video lan tràn trên mạng xã hội, dư luận vô cùng bức xúc và đã nhanh chóng tìm ra được danh tính giáo viên bạo hành trẻ là Lê Thị Phượng, nơi xảy ra vụ việc là Trường Mầm non Đông Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Ông Mai Quang Túc, Trưởng phòng GD&ĐT TP Tam Điệp cũng đã lên tiếng xác nhận sự việc xảy ra khoảng 15h ngày 13.7 tại lớp ba tuổi, trường Mầm non Đông Sơn và cho biết cô giáo Phượng đang làm giải trình…
Hành vi xâm phạm thân thể bé gái, đối tượng yếu thế, không có khả năng tự vệ, và xảy ra ngay trong môi trường giáo dục, ngay tại cơ sở giáo dục khiến nhiều người gay gắt phản ứng: Không cần cô này giải trình, mà ngay lập tức phải buộc thôi việc, thậm chí chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ hành vi bạo hành trẻ, bởi cô có giải trình, kiểm điểm, có chịu các hình thức kỷ luật như bị khiển trách, cảnh cáo, không được xét danh hiệu thi đua… rồi vẫn tiếp tục dạy dỗ, chăm sóc các con thì có thể hành vi bạo hành sẽ tái diễn tinh vi hơn, hậu quả có thể còn nặng nề hơn.
Ai cũng biết, nghề giáo khác những nghề khác, vì ngoài nghiệp vụ, vấn đề đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là giáo viên mầm non. “Cô giáo như mẹ hiền”, các cô chính là người mẹ thứ hai, gần gũi chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ của các con, nhất là trẻ mầm non, thời gian gắn bó với cô thậm chí còn nhiều hơn với bố, mẹ. Thế nên, nghề giáo cần một tấm lòng yêu trẻ vô điều kiện. Dư luận phẫn nộ vì ngoài cô giáo bạo hành em nhỏ, thì giáo viên khác trong lớp tỏ ra hoàn toàn bình thản, không hề có ý định can ngăn đồng nghiệp của mình hay giúp đỡ, an ủi em nhỏ vừa bị đánh. Một sự vô cảm như chứng kiến “chuyện thường ngày ở huyện”, có lẽ, việc cho các bé ăn vài cái tát, vài cú đá là chuyện nhỏ, để “rèn” các em biết nghe lời, không lèo nhèo khóc lóc, không trêu chọc nhau?!
Ai cũng biết, nghề giáo viên mầm non là nghề “việc nặng, lương thấp”. Thời gian làm việc không phải 8 tiếng mà có thể 9-10 tiếng, thường xuyên đến sớm, về muộn. Một ngày làm việc cũng rất vất vả, từ dạy múa, dạy hát, cho ăn, cho uống, đến rửa ráy, thay đồ… cho mấy chục đứa trẻ. Chưa kể, không phải bé nào cũng ngoan, cũng khoẻ mạnh; đứa thì hay khóc, có đứa nghịch ngợm, có đứa lười ăn… Nhiều giáo viên mầm non không chịu được áp lực đã phải bỏ nghề. Vì vậy, nếu không có tâm, không yêu trẻ thì không nên chọn nghề này.
Vụ việc cần phải xử lý nghiêm để không còn xảy ra những hành vi phản giáo dục ngay trong cơ sở giáo dục.
HOÀNG HƯƠNG