Xét tuyển Đại học đa phương thức: Cánh cửa mở cho thí sinh
VHO- Dự kiến của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022 sẽ tổ chức vào tháng 7. Tuy nhiên, nhiều trường đã bắt đầu rục rịch xét tuyển theo nhiều phương thức khác nhau. Chỉ tiêu xét tuyển căn cứ theo điểm thi tốt nghiệp THPT giảm xuống đáng kể đã khiến nhiều thí sinh vừa phải ôn thi tốt nghiệp, vừa chạy đua với các loại chứng chỉ và các đề thi đánh giá năng lực tư duy.
Việc mở rộng phương thức xét tuyển là cánh cửa mở cho nhiều học sinh có các năng khiếu khác nhau
Bách khoa Hà Nội là một trong những trường giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp. Năm nay, Trường dự kiến tuyển 7.500 chỉ tiêu cho 59 chương trình đào tạo như năm 2021, các chương trình đào tạo mới sẽ được công bố trong tháng 3.2022. Nếu như năm 2021, Trường dành 50-60% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, thì năm nay số chỉ tiêu dành cho phương thức này chỉ chiếm 10-20%. Phương thức xét tuyển tài năng chiếm 20-30%, bao gồm: Xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-level; xét tuyển dựa trên kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn. Đặc biệt, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy chiếm tới 60-70% tổng chỉ tiêu.
Phương thức xét tuyển học bạ năm nay được khá nhiều trường ưu tiên. Nhiều trường đại học ưu tiên học sinh các trường THPT chuyên/năng khiếu cấp quốc gia, cấp tỉnh, trường trọng điểm quốc gia chất lượng cao. Đứng đầu là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, dự kiến tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ theo 2 đợt, đợt 1 diễn ra từ ngày 1.3 đến ngày 29.4, đợt 2 từ ngày 5.5 đến ngày 15.6. Các trường có tỷ lệ xét tuyển học bạ tương đối cao là Đại học Luật Hà Nội năm nay dự kiến tuyển 2.265 chỉ tiêu, trong đó dành tới 50% cho phương thức xét tuyển học bạ; Đại học Điện lực dành 900/3.330 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ theo 4 tổ hợp. Ngược lại, có một số trường dành chỉ tiêu khá thấp cho phương thức xét tuyển học bạ, như trường Đại học Thương mại chỉ dành 5-6% trong tổng số 4.150 chỉ tiêu và phương thức này chỉ áp dụng đối với các thí sinh là trường THPT chuyên toàn quốc hoặc học sinh các trường THPT trọng điểm quốc gia.
So với năm 2021 và những năm trước đó, các trường xét tuyển chủ yếu dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm nay với việc sụt giảm chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp, đã mở ra cơ hội cho nhiều thí sinh, nhưng cũng khiến không ít thí sinh lo lắng. Em Khánh Linh, học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cảm thấy “may mắn” vì năm nay Trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ. Là học sinh trường chuyên, kết quả học tập của 5 kỳ học đều trên 8,5 nên em tự tin có thể trúng tuyển vào Trường. Để “chắc ăn” hơn, Khánh Linh cũng đã hoàn thành kỳ thi Ielts với kết quả 7.0 nên em tin tưởng có thêm nhiều lựa chọn vào các trường đại học.
Cùng trường với Khánh Linh, em Trí Dũng cho biết, ngành công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa là ước mơ của em từ khi vào học trung học. Năm nay, trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức đánh giá năng lực tư duy nên mấy tháng nay em đang tập trung “luyện” để tham dự kỳ thi đánh giá này. Theo Trí Dũng, các đề thi đánh giá năng lực tư duy tương đối khó, nhưng em có thể làm đạt kết quả khá. Dù em sẽ đăng ký tham gia xét tuyển, nhưng vẫn tập trung thời gian để ôn thi tốt nghiệp vì kết quả thi tốt nghiệp là sự ghi nhận kết quả học tập 3 năm THPT của em, em không muốn được xét tuyển mà kết quả thi lại không cao như mong muốn.
Còn em Lê Doãn Dương, học sinh trường THPT Lương Đắc Bằng, tỉnh Thanh Hóa cho biết, do không có lợi thế học sinh trường chuyên và cũng không đạt được các giải thưởng cấp tỉnh trở lên, không có các chứng chỉ quốc tế nên em đã chủ động ôn thi các môn toán, lý, hóa để thi vào Trường Đại học Dược Hà Nội. Với việc học kỹ từng môn, Dương cũng hy vọng em sẽ đạt kết quả tốt.
Nhận định về việc các trường đa dạng hóa phương thức xét tuyển có ảnh hưởng đến khả năng vào đại học của học sinh các tỉnh không? Cô Hoàng Thị Lan, Hiệu phó trường THPT Hoằng Hóa 2 (Thanh Hóa) cho rằng, việc này cũng không làm khó vì ngay từ đầu năm học, giáo viên và học sinh các trường đều chuẩn bị khá tốt các phương án cho kỳ tuyển sinh đại học. Như trường Hoằng Hóa 2, có tới hơn 30 học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều em cũng đã hoàn thành các chứng chỉ Ielts. Đa số các học sinh đều ôn thi rất tốt, và các giáo viên rất nỗ lực trong việc hỗ trợ các em ôn tập, ngay cả khi dịch bệnh phải nghỉ học để học và ôn trực tuyến. Vì vậy, theo cô Lan, việc thay đổi các phương thức xét tuyển có gây ra một chút xáo trộn ban đầu, nhưng hiện nay học sinh đã tương đối thích nghi.
Việc mở rộng các phương thức xét tuyển, trong đó giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT có vẻ “làm khó” cho học sinh khi phải cùng lúc ôn thi nhiều môn, tham gia nhiều chương trình học, nhưng cũng là cánh cửa mở cho nhiều học sinh có các năng khiếu khác nhau, không chỉ phụ thuộc vào mấy môn thi tốt nghiệp.
Ngay từ đầu năm học, giáo viên và học sinh các trường đều chuẩn bị khá tốt các phương án cho kỳ tuyển sinh đại học. Như trường Hoằng Hóa 2, có tới hơn 30 học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều em cũng đã hoàn thành các chứng chỉ Ielts. Đa số các học sinh đều ôn thi rất tốt, và các giáo viên rất nỗ lực trong việc hỗ trợ các em ôn tập, ngay cả khi dịch bệnh phải nghỉ học để học và ôn trực tuyến. Theo tôi, việc thay đổi các phương thức xét tuyển, có gây ra một chút xáo trộn ban đầu, nhưng hiện nay học sinh đã tương đối thích nghi. (Cô HOÀNG THỊ LAN, Hiệu phó trường THPT Hoằng Hóa 2, Thanh Hóa) |
HOÀNG HƯƠNG