Xe đưa đón học sinh mầm non trên 24 chỗ: Tối thiểu phải có hai người quản lý
VHO- Dự thảo Luật Đường bộ đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lấy ý kiến có nhiều quy định đáng chú ý. Trong đó, nội dung “Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định” và “Hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô” được nhiều người quan tâm.
Theo Bộ GTVT, người dân sẽ tiết kiệm chi phí nếu kiểm định khí thải xe máy
Kiểm định khí thải xe máy giúp người dân tiết kiệm chi phí?
Theo Điều 51 Dự thảo Luật, việc kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy (trừ xe thuần điện) được thực hiện tại các trạm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành.
Theo Bộ GTVT, phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong không khí đô thị, trong đó xe mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải lớn nhất. Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn khí thải do hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây ra, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm không khí chỉ mới được áp dụng đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu. Chính sách ưu tiên phát triển vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố chưa phát huy được vai trò trong thực tế. Những vấn đề trên nếu không được giải quyết sẽ khiến môi trường sống càng ngày càng bị ảnh hưởng.
Mục tiêu của việc kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy là tạo tính đồng bộ, thống nhất trong việc kiểm soát khí thải phương tiện tham gia giao thông. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Bộ GTVT nhận định, kiểm tra, kiểm soát được khí thải của phương tiện tham gia giao thông sẽ góp phần giảm khí thải phát sinh gây ô nhiễm không khí, giảm chi phí cho những chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng tính hấp dẫn cho các thành phố về khả năng thu hút du lịch và đầu tư, tạo thêm việc làm cho ngành dịch vụ kiểm tra và bảo dưỡng. Đồng thời, khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ không gây ô nhiễm môi trường, tạo nên các doanh nghiệp và nền công nghiệp xanh trong sản xuất phương tiện giao thông cơ giới. Mặt khác, đảm bảo sự bình đẳng trong việc kiểm soát khí thải giữa xe mô tô, xe gắn máy và xe ô tô tham gia giao thông; thực hiện được các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
Theo tính toán của Bộ GTVT, việc kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy sẽ tiết kiệm được chi phí nhiên liệu. Người dân phải bỏ chi phí bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện, tuy nhiên, chi phí này sẽ được bù đắp được bằng việc giảm chi phí sửa chữa những hư hỏng phát sinh do thiếu sự kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ, tăng hiệu quả khai thác phương tiện, giảm chi phí nhiên liệu. Đồng thời, người dân được sống trong môi trường có nồng độ chất độc hại và bụi trong khí thải thấp. Bộ GTVT cũng cho biết, các thủ tục kiểm tra khí thải xe cơ giới tham gia giao thông và xe cơ giới đã qua sử dụng nhập khẩu đã được thực hiện từ năm 1998 sẽ tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, trong thời gian tới, có thể sẽ yêu cầu thay đổi quy trình kiểm tra, đơn giản các thủ tục hành chính cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Ngày 26.11.2019, xe ô tô đưa đón học sinh Trường Tiểu học Phan Bội Châu (Biên Hòa, Đồng Nai) khi qua khúc cua đã bị bung cánh cửa sau làm 3 học sinh rơi xuống đường
Xe đưa đón học sinh được quyền ưu tiên
Theo Điều 78 của Dự thảo Luật, xe ô tô đưa đón học sinh phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện. Xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài. Lái xe ô tô đưa đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách.
Cơ sở giáo dục, đào tạo tự tổ chức hoạt động vận tải đưa đón học sinh và đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động vận tải đưa đón học sinh phải đáp ứng các quy định tại Điều 57 về Công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi. Trường hợp sử dụng xe ô tô có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô.
Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh. Cơ sở giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình đảm bảo an toàn giao thông. Dự thảo Luật cũng quy định xe đưa đón học sinh được quyền ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Sở giao thông vận tải về tăng cường đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng ô tô, trong đó có hoạt động đưa đón học sinh khi nhiều vụ tai nạn xe đưa đón học sinh tại một số địa phương gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Việc quy định rõ về vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô trong Dự thảo Luật nhằm quy định rõ ràng để tránh việc “bát nháo” trong hoạt động này như hiện nay.
QUẢNG XƯƠNG