Vượt khó gieo chữ ở xã biên giới Mô Rai

VHO- Nếu có dịp đến với vùng đất biên giới xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) thì hãy một lần đến thăm và trải nghiệm “cùng ăn - ở và lên lớp” với các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học, Trung học cơ sở (TH-THCS) Võ Nguyên Giáp để cảm nhận sự hi sinh, vất vả của những giáo viên vùng khó trong công cuộc gieo chữ, trồng người.

Vượt khó gieo chữ ở xã biên giới Mô Rai - Anh 1

Sự gắn kết của các em học sinh trong những giờ ra chơi

Với chiếc xe máy “cà tàng”, sau hơn 2 giờ đồng hồ vượt gần 100km từ TP Kon Tum vượt qua các cung đường đèo dốc ngoằn ngoèo, thi thoảng dọc đường lại lộ ra những điểm sạt lở nguy hiểm như muốn thử thách sự kiên trì của cánh phóng viên, chúng tôi cũng đến được Trường TH-THCS Võ Nguyên Giáp.

Những ngày đầu gian khó

Trường TH-THCS Võ Nguyên Giáp đứng chân tại địa bàn xã Mô Rai, xã biên giới khó khăn nhất của huyện Sa Thầy. Dân cư tại đây chủ yếu là đồng bào các DTTS như Rơ Măm, Tày, Nùng, Thái… trong đó phần đông là đồng bào từ các tỉnh miền núi phía Bắc di dân xây dựng kinh tế mới, là công nhân của Công ty 78 (thuộc Binh đoàn 15, Bộ quốc phòng).

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Võ Hoàng Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết Trường được thành lập năm 2015 với nhân sự ban đầu chỉ có 6 người bao gồm cán bộ quản lý và giáo viên. Thời điểm đó, do trụ sở nhà trường đang xây dựng nên phải mượn tạm điểm trường thôn của Trường TH Lý Thường Kiệt để giảng dạy. “Những ngày đầu thành lập, trường cũng như các trường đứng chân trên địa bàn khu vực biên giới Mô Rai gặp rất nhiều khó khăn. Trường cách trung tâm huyện hơn 60 km nhưng đường sá rất khó đi bởi mùa mưa thì lầy lội, còn mùa nắng thì bụi. Cơ sở vật chất, hạ tầng của trường khi mới thành lập còn thiếu thốn và chưa được kiên cố hóa khiến việc dạy và học vô cùng vất vả…”, thầy Sơn chia sẻ.

Tháng 11.2015, trụ sở trường THCS Võ Nguyên Giáp hoàn thiện đưa vào sử dụng, cán bộ giáo viên và học sinh được chuyển về ngôi trường mới khang trang, tiện nghi hơn. Đến năm 2017, UBND huyện Sa Thầy sáp nhập điểm trường TH Lý Thường Kiệt và Trường THCS Võ Nguyên Giáp thành trường liên cấp TH-THCS Võ Nguyên Giáp. “Có trường mới khang trang, sạch đẹp nhưng vì đường sá đi lại khó khăn, cán bộ, giáo viên đều ở xa nên hầu như cuối tuần đều ở lại trường, có khi cả tháng mới về nhà một lần. Nhưng nhờ đó chúng tôi có cơ hội xuống đến thôn làng nhiều hơn, có cơ hội tiếp xúc với phụ huynh học sinh nhiều hơn, từ đó tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh. Có lẽ chính vì thế mà trường chúng tôi luôn duy trì tỷ lệ học sinh ra lớp năm nào cũng đạt trên 98%. Học sinh chăm ngoan, lễ phép và hiếu học”, thầy giáo Sơn bộc bạch.

Vượt khó gieo chữ ở xã biên giới Mô Rai - Anh 2

 Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, những người lái đò vẫn kiên quyết bám trụ để gieo con chữ nơi vùng biên cương

… Và quyết tâm bám trụ gieo chữ nơi vùng biên

Là người gắn bó với ngôi trường từ khi mới thành lập, thầy giáo A Láo dạy môn địa lý, giáo dục công dân tâm sự: “Tôi nhớ buổi học đầu tiên của trường là ngày 16.8.2015, lúc đó trường chỉ có 68 em học sinh của 3 lớp 6, 7, 8. Mặc dù điều kiện giảng dạy lúc đó rất khó khăn khiến một số thầy cô nản lòng, nhưng hơn hết vì yêu nghề, thương học trò, chúng tôi tự động viên nhau cùng cố gắng vượt qua để bám trụ, để mang con chữ đến với các em học sinh nghèo nơi đây”. Ở vùng biên giới mặc dù còn thiếu thốn, cuộc sống người dân còn khó khăn, nhưng thi thoảng thầy cô giáo lại bắt gặp những ánh mắt trìu mến của người dân, trên tay cầm những bó rau rừng, con cá suối hay là ống cơm lam… làm quà biếu thầy cô cải thiện bữa ăn. Chính cái tình cảm chân thành đó đã tiếp thêm động lực cho thầy cô nơi đây quyết tâm gắn bó với mảnh đất này.

Năm học 2019 - 2020 toàn trường có 517 học sinh, chia thành 18 lớp ở 2 cấp học. Riêng năm học 2018 - 2019 vừa qua, toàn trường có 540 em học sinh, kết quả học tập cuối năm có 46% tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi; tỷ lệ chuyên cần đạt 98%. Có được kết quả đó, theo thầy hiệu trưởng Võ Hoàng Sơn, bên cạnh việc đảm bảo công tác chuyên môn trong hoạt động dạy và học, nhà trường còn chú trọng đến những hoạt động ngoài giờ, coi đây là những hoạt động không thể thiếu để nâng cao đời sống tinh thần, gắn kết các em học sinh với trường lớp, bạn bè.

Tuy được quan tâm đầu tư hơn trước nhưng hiện khó khăn nhất của nhà trường vẫn là thiếu cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, đồ dùng học sinh đều đi mượn trường khác về dạy học. Ngoài ra, nhà trường còn thiếu phòng ở cho giáo viên, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt trầm trọng… “Dù có khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, tập thể cán bộ giáo viên nhà trường sẽ cùng cố gắng để gắn bó với mái trường, gắn bó với các em học sinh đồng bào DTTS nơi đây. Hơn thế nữa, đó là vì cái chung của nghề giáo, vì học trò, vì một tương lai xây dựng mảnh đất biên giới Mô Rai tươi sáng hơn”, thầy Sơn chia sẻ.

Rời mái trường nơi vùng biên cương của Tổ quốc, trên chặng đường về, trong đầu chúng tôi tôi chợt dâng lên niềm cảm phục đối với những thầy cô giáo nơi đây. Bởi vì tình yêu nghề, vì tình thương đối với học trò mà họ dám chấp nhận rời xa quê hương, xa gia đình để đến vùng đất đầy khắc nghiệt, cống hiến tuổi thanh xuân thực hiện sứ mệnh gieo “ước mơ con chữ” cho học sinh nghèo. 

 NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc