Ước gì được một lần ra Trường Sa dạy học

VH- Sở GD&ĐT Khánh Hòa vừa ra thông báo tuyển dụng giáo viên ra giảng dạy tại các xã, thị trấn thuộc huyện đảo Trường Sa. Theo thông báo xét tuyển, Sở nhận hồ sơ đăng ký trực tiếp đến ngày 15.3 và sẽ tổ chức xét chọn giáo viên xin chuyển công tác, tuyển giáo viên mới từ ngày 20 đến 28.3.2018.

Ước gì được một lần ra Trường Sa dạy học - Anh 1

Thầy Phạm Trung Việt đang giảng dạy cho các em tại Trường tiểu học thị trấn Trường Sa

Trao đổi với Văn Hóa, ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết, hiện nhiệm kỳ 5 năm của các giáo viên giai đoạn 2013-2018 đã hết, nên Sở sẽ tiếp nhận các hồ sơ ứng tuyển mới để thay thế. Do yêu cầu công tác ở đảo nên chỉ tuyển dụng giáo viên nam, độ tuổi từ 25 đến 40, sức khỏe tốt, có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Khánh Hòa từ 3 năm trở lên, tính đến ngày xét tuyển. Đợt này Sở tuyển 6 giáo viên, mà lượng hồ sơ ứng tuyển lại rất nhiều, nên công tác sàng lọc, xét tuyển phải làm kỹ càng. “Ra Trường Sa giảng dạy vừa là mong ước, cũng là vinh dự của mỗi thầy giáo, nên các thí sinh rất hào hứng”, ông Tứ nói thêm.

Cũng trong dịp này, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với các thầy đang trực tiếp giảng dạy ở Trường Sa. Gặp, trò chuyện với các thầy chúng tôi mới hiểu hết sự tự hào, vinh dự của những người thầy đang ngày đêm gieo con chữ ở đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc. Khác với suy nghĩ trước đó của chúng tôi, ngôi trường ở thị trấn Trường Sa rất đẹp và khang trang. Trong lớp các anh chị lớp 3 đến lớp 5 học bài, thì ngoài sân các em lứa tuổi mầm non nô đùa vui chơi với cầu trượt, nhà bóng, bập bênh... Tiếng nói cười líu lo vang cả một góc đảo, không khí thanh bình như ở đất liền.

Tiếp chúng tôi, thầy giáo trẻ Phạm Trung Việt, mặc dù mới 35 tuổi nhưng thầy đã mang con chữ ra với đảo được 5 năm. Trước khi ra đảo, thầy đã từng dạy học tại Trường Tiểu học Vạn Thành 2 (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Ngày đó công việc đang ổn định, nhưng khi biết ở Trường Sa đang có nhu cầu tuyển giáo viên, với mong muốn đến với Trường Sa góp sức mình giúp các em học sinh ở Trường Sa có kiến thức, góp phần xây dựng Tổ quốc và hải đảo nên mình đã làm đơn tình nguyện ra đảo dạy học. “Ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, mình cũng rất bỡ ngỡ và bất ngờ vì trong tâm trí nghĩ Trường Sa sẽ rất thiếu thốn khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng khi ra đây mình thấy các điều kiện cho việc giảng dạy và sinh sống ở trên đảo khá thuận lợi. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là các em học trò, các em rất lễ phép và cực kỳ ham học”, thầy Việt bày tỏ.

Cũng như thầy Việt, thầy Đặng Minh Hiệp, quê ở Diên Khánh (Khánh Hòa), năm nay mới 27 tuổi và cũng gắn bó với những con sóng, các em học sinh ở đây được 5 năm tròn. Thầy tâm sự, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, thầy Hiệp đã tình nguyện đăng ký ra đảo Trường Sa để dạy học với tất cả lòng nhiệt tình, yêu nghề của người giáo viên trẻ. “Tôi luôn hãnh diện mỗi lần đứng trên bục giảng dạy các em học sinh ở đây, đó cũng là niềm vui lớn nhất của nghề giáo mà sau này không bao giờ quên. Mình tâm niệm, với các em thầy giáo là cả một bầu trời mà chúng muốn mình trao lại. Ngoài dạy chữ, mình luôn dạy cho các em phải biết yêu quê hương, đất nước và tinh thần vượt khó, kiên cường như những người lính đảo nơi đây ngày đêm canh giữ bầu trời, tấc đất của Tổ quốc”, thầy Hiệp tâm sự.

Những người “đưa đò” vượt qua bao sóng gió, khó khăn để gắn bó với sự nghiệp trồng người ở những vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc như thầy Việt, thầy Hiệp... mãi luôn là tấm gương sáng ngời cho bao thế hệ thanh niên học tập. Những lớp học ở đảo xa của những “chiến sĩ” nhí “áo vằn cánh sóng” vẫn đang ngày ngày được duy trì. Theo từng con chữ, các em dần lớn lên giữa biển trời sóng nước. Nhưng quãng đời tuổi thơ gắn bó với đảo xa của các em vẫn mãi là những ký ức đẹp đẽ không thể nguôi quên.

Ở chân trời Tổ quốc ấy, ngoài học kiến thức, tri thức, các em còn được giáo dục tinh thần bám đảo, giữ biển và rèn luyện tinh thần thép cùng bộ đội Hải quân canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Còn các thầy giáo trẻ sẽ là những con ong chăm chỉ ngày đêm gieo chữ, gieo những ước vọng từ những lớp học bên bờ biển Trường Sa. “Ai cũng có niềm vui riêng, nhưng với mình, được là thầy giáo Trường Sa có lẽ là niềm tự hào lớn nhất đời”, thầy Phạm Trung Việt chia sẻ.

 ​Ra Trường Sa giảng dạy vừa là mong ước, cũng là vinh dự của mỗi thầy giáo, nên các thí sinh rất hào hứng.

(Ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa)

Ngữ Anh Tuấn- Lê Xuân

 

Ý kiến bạn đọc