Thầy cô dành hết mọi nguyện vọng cho học sinh thân yêu

VHO- “Mong các em học sinh DTTS được quan tâm nhiều hơn nữa, có bình nóng lạnh để tắm trong mùa đông giá rét, được hỗ trợ để mua thẻ BHYT...” là những nguyện vọng của các thầy, cô giáo bám bản ở miền núi, vùng khó khăn bày tỏ trong buổi gặp mặt với lãnh đạo Ủy ban Dân tộc nhân dịp 20.11 vừa qua. Buổi gặp mặt nằm trong khuôn khổ chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức, nhằm ghi nhận những cống hiến của đội ngũ những nhà giáo đã dành trọn thời gian, công sức và tâm huyết để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Thầy cô dành hết mọi nguyện vọng cho học sinh thân yêu - Anh 1

  Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn giao lưu với các thầy cô được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 Ảnh: HẢI ĐĂNG

Nhân dịp này, các thầy cô cũng đề xuất với lãnh đạo một số vấn đề còn khó khăn của địa phương, của ngành GD&ĐT ở vùng DTTS và miền núi, khó khăn. Trong đó, nổi lên vấn đề một số địa phương được đưa ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn của Chương trình 135 về xóa đói giảm nghèo, vì thế mọi hỗ trợ cho giáo viên, học sinh đều bị cắt giảm, trong khi cuộc sống và mọi hoạt động vẫn như trước đây.

Thầy Nguyễn An Hảo (Trường TH và THCS Phan Dũng, tỉnh Bình Thuận) cho biết, học sinh trong trường 90% là người DTTS, khi thoát khỏi chương trình 135 thì hỗ trợ về thẻ BHYT, học tập, bữa ăn của các em cũng bị cắt. Nguồn thu nhập của người dân chủ yếu là từ nông nghiệp và rừng nên cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, nhiều em không có tiền mua thẻ BHYT, bữa ăn thiếu dinh dưỡng, các thầy cô đã vận động, quyên góp, trích từ tiền lương của bản thân để cải thiện bữa ăn cho các em.

Cô giáo Lý Thị Lan (dân tộc Nùng) tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn kể, cuộc sống, cơ sở vật chất của các thầy cô, các em học sinh tại trường mình dù không gặp quá nhiều khó khăn như ở khu vực miền núi khác, nhưng ở đây các em lại thiếu sự quan tâm của cha mẹ do họ phải đi làm ăn xa ở dưới xuôi, các em ở nhà với ông bà… Nhiều em muốn bỏ học nên các thầy cô giáo phải thường xuyên động viên, thăm hỏi, vận động các em đến trường, đến lớp. Cô Lan mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để đời sống của học sinh, thầy cô vùng DTTS được nâng cao hơn.

Còn cô Hoàng Thị Huyền tại huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang chia sẻ, trên vùng cao mùa đông rất lạnh, nhưng trang thiết bị phục vụ dạy học cũng như sinh hoạt thường ngày còn rất nhiều hạn chế. Đặc biệt, mùa đông nước vô cùng lạnh giá, các em phải đun nước tắm rất vất vả. Vì vậy, cô Huyền mong muốn học sinh của mình có bình nóng lạnh để mùa đông ấm áp hơn.

Sau khi nghe những chia sẻ của các thầy cô, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn cho rằng, đây là những ý kiến quý báu và đề nghị các đơn vị chức năng, các cơ quan, bộ, ngành cùng nghiên cứu, phối hợp để nâng cao chế độ hỗ trợ cho giáo viên, học sinh tại vùng DTTS... “Hiện nay, lõi nghèo tập trung ở khu vực miền núi, vùng DTTS, vùng khó khăn, do đó giải quyết tốt vấn đề giảm nghèo khu vực này thì tỷ lệ hộ nghèo của chúng ta sẽ giảm xuống. Đồng thời, học sinh DTTS cũng chính là nguồn cán bộ DTTS trong tương lai, vì thế, việc chăm lo cuộc sống, học tập cho các em là điều cần thiết”, Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Đại diện Trung ương Hội LHTN Việt Nam, anh Nguyễn Kim Quy, Phó Chủ tịch Hội cho biết, những năm trước, từ mong muốn của thầy cô, Trung ương Hội LHTN Việt Nam cùng Bộ GD&ĐT và các Ban, ngành liên quan đã phát động Chương trình “Điều ước cho em” trên quy mô cả nước, nhằm hỗ trợ xây dựng 1.000 nhà vệ sinh đủ điều kiện cho các trường và điểm trường tại các khu vực khó khăn. Hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục gây dựng thành công phong trào quyên góp “Lớp ấm cho em” để học sinh vùng sâu vùng xa không còn bị lạnh trong mùa đông giá rét.

THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc