Thật buồn khi nhiều thầy cô lại “sợ” học sinh và phụ huynh!

VH- LTS: Ngay sau khi Văn Hóa khởi xướng và đăng bài đầu “Báo động đỏ xuống cấp môi trường văn hóa trong nhà trường: Bao giờ cho tới ngày xưa?” (số 3070, ngày 14.3.2018), chiều cùng ngày Tòa soạn nhận được bài viết của một thầy giáo là Phó hiệu trưởng trường THPT ở miền Trung. Trao đổi với thầy qua điện thoại (số máy liên lạc được tác giả ghi cuối bài viết) thì thầy cho biết: “Vì lý do tế nhị, đề nghị Tòa soạn sử dụng bút danh”.

Vụ cô giáo ở trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức (Long An) bị phụ huynh bắt phải quỳ 40 phút để “trả thù” cho con em mình. Tiếp đến là vụ cô giáo dạy môn tiếng Anh ở Trường THCS Tân Thạch, huyện Châu Thành (Bến Tre) bị nam sinh lớp 8 bóp cổ ngay tại lớp. Hàng loạt từ, cụm từ như: “Tủi nhục”, “đau xót”, “chua chát”, “bức xúc”, “phẫn nộ”, “dồn nén”, “trả thù giáo dục”, “nghiêm trị”, một sự phản biện giáo dục, bài học sâu sắc cho giáo viên, truyền thống “ tôn sư, trọng đạo” bị đạp đổ… liên tục xuất hiện, dày đặc trên các trang báo, mạng xã hội.

Đọc đến đó, chắc chắn đội ngũ nhà giáo và những ai quan tâm tới giáo dục của đất nước không khỏi xót xa, day dứt… cùng với nhiều nghĩ suy, câu hỏi về mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên, học sinh và giáo viên ở thời nay. Phụ huynh hồ đồ và học sinh cá biệt thời nào chẳng có. Nhưng so với trước đây thì bây giờ số lượng và các biểu hiện vô lễ, xúc phạm, hành hung thầy cô giáo ở hai đối tượng trên có chiều hướng gia tăng. Cộng với điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, rộng khắp thì những sự vụ xấu, tiêu cực, bạo hành trong ngành giáo dục (liên quan đến mọi nhà, mọi người) nhanh chóng phát tán với mức độ khủng khiếp. Ai ai cũng biết, đủ kiểu nhìn nhận, bình luận. Số người, nhất là giới trẻ, học sinh chưa và không có khả năng “ sàn” lọc thông tin tốt, xấu không hề nhỏ. Chỉ cần một vài “ con sâu” bộc phát thôi cũng đủ làm cho hình ảnh nhà trường, thầy cô giáo trở nên méo mó, lệch lạc, bớt đẹp đẽ, thiêng liêng trong các bậc phụ huynh và học sinh.

Nhiều giáo viên bây giờ còn thêm “bệnh” sợ phụ huynh, học sinh cá biệt. Nhắc nhở, giáo dục vài lần không thấy chuyển biến thì bỏ mặc, chả quan tâm, muốn ngủ, muốn nghịch trong lớp cho ngủ, cho nghịch thoải mái. Thậm chí, có thầy cô giáo chủ nhiệm trông mong hoặc bày vẽ cho diện học sinh bất trị kia nghỉ học luôn, càng sớm càng tốt. Trao đổi với phụ huynh về con cái, chẳng may trúng phụ huynh toàn “bênh” con, cô nói sao chứ ở nhà cháu nó ngoan lắm cơ mà. Lần sau đâm nản, kệ mặc. Thật buồn khi nêu lên sự thật nhiều thầy cô giáo lại “sợ” học sinh, phụ huynh với những kiểu như thế. Đáng lo ngại hơn với tư tưởng và biểu hiện đối phó, né tránh, mặc kệ, bàng quan, lạnh lùng… của một số giáo viên chủ nhiệm, bộ môn trước diễn biến sa sút đạo đức của học sinh. Thầy cô giáo được phân công chủ nhiệm lớp thường không vui, tìm nhiều cách né tránh. Giáo viên có lý khi cho rằng, nhiệt tình, trách nhiệm làm chi cho lắm để rồi rước họa vào thân, phụ huynh và học sinh đâu có tha và hiểu được áp lực, vất vả của người thầy, cô giáo. Giáo viên một lần mắc “tai nạn” nghề nghiệp, bị phụ huynh, dư luận xã hội, nhà trường biết là không có cơ hội sửa sai…

Sau các biện pháp giáo dục, giáo viên và nhà trường có thể xử lý học sinh hư hỏng, cá biệt với 4 mức: phê bình, khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi học có thời hạn. Ba mức đầu chưa đủ sức răn đe, thực tế rất ít hội đồng kỷ luật của các nhà trường dám xử lý học sinh ở mức cao nhất: cho thôi học có thời hạn. Vì sợ bị cấp trên phê bình không đảm bảo sĩ số, nhà trường không biết giáo dục, cảm hóa học sinh…

Ôi đủ lý do khác nữa ràng buộc… dẫn tới người thầy chả còn cái “quyền lực” gì cả để xử lý học sinh cá biệt. Cái thực tế đến phũ phàng, chua chát này, ai đời, thầy cô giáo dạy dỗ con em lại đi sợ phụ huynh, học sinh… bao giờ mới kết thúc đây?

Thiên Ấn

Ý kiến bạn đọc