Tạo điều kiện tối đa cho năm học mới
VHO- Chỉ còn hơn một tuần nữa, năm học mới chính thức bắt đầu tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước; riêng học sinh lớp 1 tựu trường từ đầu tuần sau 23.8. Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, một số địa phương hiện là tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai,… đang gấp rút xây dựng các phương án chuẩn bị cho năm học mới.
Trường Tiểu học Nguyễn Nhược Thị, Quận 8, TP.HCM trưng dụng làm khu cách ly tập trung
Có thể dạy trực tuyến đến hết học kỳ I
Thông tin tại buổi họp báo chiều qua 19.8 về phương án và kế hoạch thời gian năm học 2021- 2022, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, TP.HCM không tổ chức tựu trường, khai giảng. Các trường sẽ bắt đầu tổ chức dạy học trên Internet. Cụ thể, các trường THCS, THPT sẽ tổ chức hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp học trên Internet từ ngày 1-5.9; 6.9 sẽ bắt đầu giảng dạy theo chương trình năm học mới. Các trường tiểu học sẽ tổ chức hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp học trên Internet từ ngày 8-19.9; từ 20.9 thực hiện giảng dạy theo chương trình. Các trường mầm non khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, học sinh có thể đến trường. “Trong tình hiện nay, năm học mới tại TP.HCM không thể bắt đầu bằng hình thức trực tiếp. Các cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly, điểm tiêm vắcxin, xét nghiệm… khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch phải mất 2 tuần để sửa chữa, cải tạo, vệ sinh khử khuẩn. Học sinh sẽ bắt đầu năm học mới bằng hình thức học trên môi trường Internet cho cả học kỳ I. Vì vậy, nếu bắt đầu năm học mới sẽ tránh việc dồn ép tiến độ cuối năm học để đảm bảo các kỳ thi cuối cấp, nhất là kỳ thi THPT năm 2022. Việc tổ chức tựu trường, khai giảng theo hình thức trực tuyến cũng không hiệu quả, không mang nhiều ý nghĩa”, ông Hiếu cho biết.
Trước đó, ngày 18.8, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã chủ trì cuộc họp nghe Sở GD&ĐT báo cáo tình hình chuẩn bị khai giảng năm học 2021-2022. Sở này đề xuất thực hiện ngày tựu trường và ngày khai giảng theo hình thức trực tuyến. Cụ thể, học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT tựu trường ngày 1.9 (khai giảng 5.9); các trung tâm GDNN-GDTX tựu trường ngày 6.9 (khai giảng 11.9). Đặc biệt, ngành GD&ĐT Bình Dương cũng đề xuất không thu học phí học kỳ I năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục công lập; không tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi thống nhất với các đề xuất của Sở và cho biết tỉnh đang chỉ đạo để trả lại cơ sở vật chất trường học đang sử dụng làm khu cách ly tập trung, chậm nhất đến ngày 15.10 hoàn thành để ngành GD&ĐT sửa sang, vệ sinh khử khuẩn… Đối với SGK, cần bảo đảm chuỗi cung ứng cung cấp tới trường; lưu ý chỉ quy định SGK tối thiểu để giảm gánh nặng kinh tế cho phụ huynh học sinh trong tình hình khó khăn hiện nay…
Tại tỉnh Đồng Nai, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trương Thị Kim Huệ, Sở đã xây dựng tờ trình triển khai kế hoạch năm học mới 2021-2022 phù hợp với điều kiện dịch bệnh để gửi lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, do hiện nay rất nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến nên học sinh toàn tỉnh sẽ tựu trường bằng hình thức trực tuyến cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Sở dự kiến đề xuất ngày tựu trường trực tuyến là 13.9. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên UBND tỉnh Long An quyết định khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 của các cấp học trên địa bàn tỉnh chậm hơn so với quyết định của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, học sinh các cấp tựu trường ngày 17.9 và khai giảng ngày 18.9…
Khó vận chuyển SGK tới tay học sinh
Thông tin về tình hình cung ứng SGK năm học mới, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, đối với SGK từ lớp 3 - 12, đến ngày 15.8, NXB đã phát hành được 94% lượng sách theo kế hoạch về các địa phương. Đối với SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6, đến nay đã cung ứng được gần 37 triệu bản, đạt tỉ lệ 85%. “Vào thời điểm hiện tại, SGK là mặt hàng cấp thiết cần được vận chuyển, cung ứng kịp thời, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, nhiều tỉnh, thành đang áp dụng Chỉ thị 16, vì vậy việc vận chuyển SGK tới tận tay học sinh tại các địa phương này hiện gặp rất nhiều khó khăn”, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết. Để khắc phục tình trạng này, NXB đã thực hiện một số giải pháp như: Lên phương án thiết lập các tổng kho tạm thời tại những địa phương có tình hình dịch bệnh đang lắng dịu để tập kết hàng hóa, hoặc trong trường hợp có thể thì vận chuyển sách trực tiếp từ nhà in tới các đối tác phát hành trong khu vực, để từ đó chuyển sách về các trường học. Điều tiết từng tên sách cụ thể giữa các đối tác phát hành tại địa phương để phần nào đáp ứng kịp thời nhu cầu khi đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển SGK từ tổng kho.
Theo NXB, đơn vị đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển SGK kịp thời trước ngày khai giảng. NXB cũng đề xuất với Bộ GD&ĐT để kiến nghị các cơ quan liên quan coi SGK là mặt hàng thiết yếu, được tạo điều kiện thuận lợi trong việc kinh doanh, lưu thông phân phối… Việc Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) đề nghị Sở TT&TT Hà Nội, Sở TT&TT TP.HCM xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền đưa SGK vào nhóm hàng hóa thiết yếu cho thấy tính cấp thiết của việc tạo điều kiện tối đa để SGK đến với học sinh trước khi năm học mới bắt đầu… Với hơn 40 tỉnh, TP đã có thời gian khai giảng dự kiến, NXB đã đề nghị các nhà trường có phương án phù hợp để kịp thời chuyển sách tới tay học sinh. Đối với những địa phương chưa xác định thời gian tựu trường, NXB sẽ căn cứ kế hoạch của từng địa phương để xây dựng phương án hợp lý. Cùng với đó, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết đang đẩy mạnh việc phát hành SGK trên một số kênh bán hàng trực tuyến của NXBGDVN như nhasachso.nxbgd. vn, edubook.com.vn, ebdbook.vn. Ngoài ra, học sinh, giáo viên có thể sử dụng phiên bản điện tử SGK, sách bài tập, sách giáo viên tại trang web: hanhtrangso.nxbgd.vn.
Trước tình hình khó khăn này, mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát hành SGK phục vụ năm học mới 2021-2022.
THÙY TRANG