Tăng cường kiểm soát bữa ăn trường học

VHO- Vừa qua, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm” xảy ra tại Trường Ischool Nha Trang. Vụ ngộ độc tập thể hôm 17.11 đã khiến hơn 600 học sinh nhập viện và cướp đi sinh mạng của một em nhỏ 6 tuổi, được coi là vụ ngộ độc lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trong trường học.

Tăng cường kiểm soát bữa ăn trường học - Anh 1

Khu bếp ăn Trường Mầm non xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa Ảnh: T.H

Ngay sau sự việc, nhiều phụ huynh lo lắng về chất lượng vệ sinh an toàn của các bữa ăn bán trú, và ngay lập tức, vấn đề này được siết chặt. Cụ thể, ngày 21.11, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 6141/ BGDĐT-GDTC về Tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Trong đó nêu rõ: Nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở GD&ĐT, Sở y tế, UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục (nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu), giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học. Tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm...

Vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại trường Ischool Nha Trang như một hồi chuông cảnh báo, khiến các cơ sở giáo dục ráo riết tăng cường kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn bữa ăn bán trú. Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 32 trường mầm non, 25 trường tiểu học và 14 trường THCS tổ chức ăn bán trú, phục vụ khoảng 40.000 học sinh, trong đó chủ yếu là học sinh mầm non và tiểu học, tất cả đều tự tổ chức nấu tại trường. Nguồn thực phẩm được lấy của các đơn vị, công ty có chứng nhận VSATTP. Cán bộ, nhân viên nấu ăn đều có chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn, được khám sức khoẻ định kỳ; vệ sinh bếp ăn, nhà ăn, đồ dùng đảm theo đúng tiêu chuẩn quy định và quy trình của ngành HD và y tế.

Tất bật với việc kiểm tra bếp ăn của nhà trường trong sáng 24.11, bà Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, Nhà trường luôn đặt vấn đề sức khoẻ của học sinh lên hàng đầu nên rất chú trọng việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bữa ăn bán trú của học sinh do bếp ăn của Nhà trường nấu. Nguồn thực phẩm được ký hợp đồng với các nhà cung cấp thực phẩm có giấy chứng nhận VSATTP và có giấy phép kinh doanh. Khu vực bếp ăn, đồ dùng, dụng cụ luôn được vệ sinh sạch sẽ, cơm được nấu bằng tủ cơm ga, cháo nấu bằng nồi điện, thức ăn nấu trong nồi inox…

Bà Tuyết cũng cho biết, ngoài việc kiểm tra hằng ngày của BGH nhà trường, thì hằng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Trung tâm Y tế Huyện, Phòng GD&ĐT huyện kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường, nên trong nhiều năm qua, trên địa bàn và ngay tại Trường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trường học luôn bảo đảm, không xảy ra trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm. 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc