Tăng cường giáo dục về di tích, di sản trong học đường
VHO- Để nâng cao hiệu quả trong việc bảo tồn các di tích, di sản tại Đà Nẵng, giới nghiên cứu sử học đã nhấn mạnh đến công tác lồng ghép, giáo dục trong trường học, khẳng định đó là cơ sở vững chắc để trao truyền lại cho thế hệ trẻ những kiến thức bổ ích về di tích, lịch sử.
Nâng cao giáo dục trực quan sẽ giúp các em học sinh cảm nhận sâu sắc và sinh động hơn về di tích, lịch sử (ảnh minh họa)
Bồi dưỡng lòng yêu nước và tự hào dân tộc
Mới đây, Tọa đàm khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858-1860 do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu, xác đáng và chân thực của các nhà nghiên cứu. Đề cập đến việc bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ thông qua hệ thống di sản, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng đưa ra 3 phương thức chủ yếu để giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường: Một là tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan thực địa tại thành Điện Hải và nghĩa trủng Hòa Vang, Khuê Trung; Hai là tổ chức dạy, học kết hợp tham quan thực địa; Ba là tổ chức cho học sinh, sinh viên khoa Lịch sử tham gia hoạt động Tìm địa chỉ đỏ thất truyền nhằm tìm kiếm trên hồ sơ lưu trữ và khảo sát thực địa…
Theo TS Lê Minh Sơn (Trưởng Bộ môn Kiến trúc, Đại học Bách khoa Đà Nẵng), việc giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường tại những trường mang tên các danh nhân từng tham gia cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải như Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Trứ, Phạm Phú Thứ… nên được tiến hành thường xuyên. Cùng với đó, cần tích hợp các hình thức giáo dục bằng tác phẩm nghệ thuật, tham quan thành Điện Hải, đưa học sinh tham gia những lễ tế nghĩa trủng truyền thống tại địa phương để các em thêm gần gũi, trân trọng lịch sử.
Nhà nghiên cứu Vũ Hùng (nguyên Phó trưởng ban Thường trực, BTG Thành ủy Đà Nẵng) cho rằng: Cần nâng cao giáo dục trực quan cho học sinh, giúp các em cảm nhận sâu sắc và sinh động hơn về lịch sử bằng cách đưa các em đi tham quan các nghĩa chủng, nghĩa địa liên quân… trước khi tuyên truyền về trận đánh lịch sử của cha ông.
Về giá trị du lịch, nhà nghiên cứu Vũ Hùng so sánh: “Giá trị kiến trúc và lịch sử của thành Điện Hải là rất quý hiếm, bởi đây là thành trì Vauban duy nhất còn lại so với các địa phương khác, trừ kinh đô nhà Nguyễn tại Huế. Do vậy, ngành Du lịch cần quảng bá và khuyến khích các doanh nghiệp đưa các di tích nghĩa trủng, nghĩa địa liên quân tại cảng Tiên Sa, nhất là thành Điện Hải, trở thành những điểm đến trong hành trình du lịch tại Đà Nẵng”.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin cũng là giải pháp hiệu quả để giữ gìn, phát huy giá trị di sản. Năm 2023, Thành Đoàn Đà Nẵng đã hoàn thành và bàn giao Công trình thanh niên số hóa địa chỉ đỏ, gồm toàn bộ di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia và di tích cấp TP, qua đó góp phần hiệu quả trong việc tuyên truyền, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường và phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Bảo toàn giá trị của hệ thống di sản lâu đời
Hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 89 di tích đã được xếp hạng gồm đầy đủ các loại hình: Lịch sử, Kiến trúc nghệ thuật, Khảo cổ và Danh lam thắng cảnh, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia và 68 di tích cấp TP. Trong số các di tích được xếp hạng thì hệ thống các di tích liên quan đến cuộc chiến tranh chống xâm lược của liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860) đã có 5 di tích được xếp hạng và 1 di tích nằm trong danh mục kiểm kê, gồm: Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, Nghĩa trủng Phước Ninh (phường Nam Dương, quận Hải Châu), Nghĩa trủng Hòa Vang (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), Nghĩa trủng Hải Vân Quan (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), Nghĩa trủng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu); di tích đăng ký trong danh mục kiểm kê là Nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).
Riêng đối với di tích thành Điện Hải, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: “Việc xây dựng, phục hồi các công trình thuộc về thành Điện Hải xưa là rất cần thiết cho việc nghiên cứu, học tập và tham quan. Để giữ gìn di tích, di sản, TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch, đề án, dự án như Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015, giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025; Quy chế phối hợp, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP, tiến hành, đánh giá và phân kỳ lộ trình chỉnh lý, bổ sung các nội dung thành phần hồ sơ khoa học đối với một số di tích, định kỳ rà soát, kiểm kê hệ thống di tích trên địa bàn TP”.
165 năm trôi qua, những công trình thuộc vành đai phòng thủ vịnh Đà Nẵng dường như đã biến mất bởi nhiều lý do, ngoại trừ thành Điện Hải. Do vậy, những bản đồ và hình ảnh đương thời về vành đai phòng thủ này cần được sưu tầm, chắt lọc và xây dựng thành những gian trưng bày có hệ thống. Thành Điện Hải đã thực hiện trùng tu giai đoạn 1, hiện đang chuẩn bị thực hiện trùng tu giai đoạn 2. Qua nhiều biến động xã hội, thành Điện Hải bị xâm hại nghiêm trọng, gần như không còn giữ được các công trình lúc ban đầu, nên việc Đà Nẵng chuẩn bị thực hiện giải tỏa nhà Bảo tàng bên trong thành là niềm vui lớn của ngành Văn hóa nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung. Tuy nhiên, để hệ thống các di tích, di sản lớn nhỏ trên địa bàn TP không bị lu mờ, lãng quên, thực sự phát huy được ý nghĩa về lịch sử văn hóa, thì việc giáo dục ý thức, thói quen cho thế hệ trẻ là điều rất cần thiết, và việc này phải được thực hiện ngay từ khi các em còn nhỏ tuổi.
NGỌC HÀ