Tân sinh viên và nỗi lo nhà trọ

VHO- Hành trình tìm nhà trọ chưa bao giờ là dễ dàng đối với sinh viên tỉnh lẻ về thành phố học đại học năm đầu. Những em trúng tuyển sớm thì thời gian đi tìm có phần thư thả, số còn lại đợi kết quả xét tuyển sau khi các trường công bố điểm chuẩn thì việc tìm nơi ăn chốn ở gian nan hơn rất nhiều...

Tân sinh viên và nỗi lo nhà trọ - Anh 1

 Căn phòng trọ 9m2 con chị Huệ sẽ ở ghép với em họ trên phố Lê Thanh Nghị

Ngược xuôi tìm phòng trọ

Ngay sau khi biết kết quả trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân, hai mẹ con chị Lê Thị Huệ ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã vội vã ra Hà Nội tìm nhà trọ. Tiêu chí là gần trường để việc đi lại thuận tiện, vì chị sợ con mới ra Thủ đô còn bỡ ngỡ, nên chỉ khoanh vùng các phố Lê Thanh Nghị, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Giải Phóng... Mất mấy ngày ngược xuôi không có kết quả, tình cờ nói chuyện với cô em họ có con học năm 2 ĐH Bách khoa đang thuê phòng ở chung với bạn, nhưng đầu năm học này bạn kia sẽ chuyển chỗ ở, nên chị lập tức đăng ký cho con vào ở cùng. Mừng vì chỗ ở ngay sát trường, chỉ đi bộ chưa đến 300m, nhưng chị cũng thấy thương con, vì phòng trọ chỉ rộng khoảng 9m2, phía dưới kê chiếc giường 1m3, trên là gác xép, sát cửa đặt chiếc bếp từ đơn, giá để bát đũa, xoong nồi... Căn phòng nằm trên tầng 2 của ngôi nhà 2 tầng 1 tum, gia đình nhà ở tầng 1, còn tầng 2 chia làm 4 phòng cho thuê, khu phụ chung. Phòng trọ nhỏ hẹp, nóng bức, nhưng giá thuê không hề rẻ - 3 triệu/tháng chưa kể điện nước, và người thuê không được lắp điều hòa để tránh quá tải, cũng không được cầm chìa khóa cổng chung, không ra khỏi nhà trước 6h và về sau 23h, nếu có việc phải báo trước để chủ nhà mở cổng.

Cũng hoàn cảnh con đi học xa nhà, nhưng vì biết kết quả trúng tuyển sớm nên gia đình chị Bùi Thị Lương (Hòa Bình) đã “lọ mọ” đi tìm nhà cho con gái từ tháng 7. Nhờ người quen đang làm việc tại Hà Nội tìm giúp, nên chị đã thuê được một phòng trọ trên tầng 3 của căn nhà 6 tầng tại phố Trung Kính. Nhà này chủ ở tầng 1 và 2, còn từ tầng 3 trở lên, mỗi tầng chia 3 phòng cho thuê, phòng rộng nhất 25m2 giá 3 triệu, các phòng nhỏ hơn giá 2,2 - 2,7 triệu, khép kín, có bình nóng lạnh và người thuê được phép lắp điều hòa, tủ lạnh... Giá điện là 3.700 đồng/số, nước 30.000 đồng/khối, Internet 80.000 đồng/tháng, vệ sinh 30.000 đồng/người/tháng, xe máy để tầng 1 miễn phí. Chủ nhà giao cho mỗi phòng một chìa khóa cửa ra vào và không hạn chế giờ giấc đi về, nhưng không được gây ồn ào sau 22h. Chị Lương cho biết, cứ thuê tạm cho con gái có chỗ ăn chỗ ở, sau một thời gian sẽ tìm nơi khác rẻ hơn hoặc con sẽ rủ bạn về ở cùng để chia tiền phòng, vì với những phòng rộng, chủ nhà đồng ý cho ở tối đa 3 người cùng giới.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại những khu vực tập trung nhiều trường đại học như Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy…, tình trạng chung là phòng trọ khá khan hiếm và giá không hề rẻ. Gọi theo số điện thoại dán trên các cột điện hoặc bờ tường ở các ngõ xung quanh các trường như ĐH Bách khoa, Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hầu hết đều nhận được câu trả lời là “hết phòng”. Một vài chủ nhà báo còn phòng, nhưng đến nơi thì hiện trạng không như quảng cáo là phòng “đủ đồ” hoặc “đầy đủ tiện nghi” (thực tế chỉ có giường, tủ, bàn học, bình nóng lạnh). Giá mỗi căn phòng tầm 25m như thế đều có mức khoảng 3 triệu, tính thêm điện, nước và các khoản phí khác cũng ngót nghét 4 triệu/ tháng, một khoản tiền không nhỏ đối với phần đông các gia đình nông dân.

Với những phòng trọ giá rẻ hơn, từ 1,5 - 2 triệu thì người thuê chấp nhận phải đi xa tận các vùng như Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì… nhưng đây đều là các phòng trọ lụp xụp, tối tăm, vệ sinh chung và không có đồ đạc gì.

Cẩn thận với các chiêu lừa đặt cọc

Không chỉ sinh viên năm đầu, mà sinh viên năm thứ 2, thứ 3 cũng gặp không ít khó khăn với việc thuê phòng, vì mỗi năm tiền thuê lại nhích lên một chút, cùng với đó, giá tiền điện, tiền nước cũng tăng theo.

Lê Thanh Hà, sinh viên Học viện Ngân hàng, hiện đang thuê một phòng trọ tại Trung Liệt (Đống Đa - Hà Nội) cho biết, giá thuê năm ngoái là 2,2 triệu, nhưng chủ nhà vừa thông báo sẽ tăng thêm 300.000 đồng/ tháng, đồng thời tăng giá điện từ 3.500 đồng/kw lên 4.000 đồng. “Giá mới như thế, ai không ở thì báo trước 1 tháng mới được trả lại tiền cọc”, bà chủ thông báo trên group của nhà trọ.

Bên cạnh những phòng trọ của chính chủ, thì hiện nay nhiều khu trọ là mặt hàng kinh doanh của những người làm nghề cho thuê nhà. Chị Bích Nga, một “nhà đầu tư” cho biết, hiện chị có 5 khu trọ cho thuê, đều là nhà chị thuê lại. Đa số đây là những ngôi nhà đã cũ trong các ngõ nhỏ, chủ nhà chưa có ý định xây dựng lại, nếu cho hộ gia đình thuê để ở sẽ khó vì chất lượng nhà thấp, mà giá cũng không rẻ. Ví dụ, một trong những khu trọ chị Nga đang cho thuê là căn nhà 4 tầng ở Triều Khúc, trước chủ cho một gia đình thuê giá 8 triệu, nhưng sau họ chuyển lên chung cư nên chị Nga “thầu” lại. Bỏ ra một ít tiền sửa sang thành 6 phòng cho thuê với giá trung bình là 2,2 triệu/phòng, chị thu về 13,2 triệu tiền nhà, chênh 5,2 triệu, cộng với hơn 6 triệu tiền thu chênh lệch từ các khoản tiền điện, nước, Internert, vệ sinh, mỗi tháng mỗi khu trọ của chị dư ra được tầm 10 triệu. Chị Nga cho biết, đa phần những người trực tiếp cho thuê là chủ ở cùng với người thuê, còn hầu hết đều là cho thuê lại, vì việc quản trọ cũng có những khó khăn nếu chủ ở xa.

Không chỉ nan giải trong việc tìm chỗ ở, mà có không ít trường hợp còn bị lừa tiền cọc khi tìm nhà trên mạng. Có những trường hợp vì sốt ruột giữ chỗ nên sinh viên đã chấp nhận chuyển cọc và bị lừa mất, trong khi mới chỉ xem nhà qua mạng. Để tránh bị lừa đảo, sinh viên không giao dịch online, phải đến tận nơi xem phòng trọ có đúng như quảng cáo và phù hợp không, có hợp đồng đặt cọc hoặc hợp đồng cho thuê với chủ khu trọ thì mới đặt cọc hoặc thanh toán tiền.

Mỗi đầu năm học, vấn đề nhà trọ lại trở nên “nóng” với sinh viên học xa nhà. Giá nhà trọ đang quá cao so với khả năng chi trả của các gia đình có con đi học xa, chiếm tới 50% chi phí cho việc học hành. Trong khi KTX không đủ chỗ cho sinh viên ăn ở, nhiều trường, mà chủ lực là Đoàn trường, thông qua các Fanpage, hội nhóm đang nỗ lực giúp sinh viên kết nối được với những khu trọ phù hợp. 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc