Sinh viên “sản xuất” túi giấy từ ...cây chuối

VHO- Chuối là loài cây quen thuộc và được trồng ở hầu khắp các địa phương. Tuy nhiên xưa nay, chuối sau khi thu hoạch buồng còn phần thân thường chỉ dùng làm thức ăn cho gia súc hoặc bỏ đi. Nhận thấy giá trị từ nguồn nguyên liệu này, một nhóm sinh viên Trường ĐH Văn Lang đã nghiên cứu tìm ra phương pháp làm túi giấy sinh học và phân bón hữu cơ từ thân chuối.

Sinh viên “sản xuất” túi giấy từ ...cây chuối - Anh 1

 TS Vũ Thị Quyền (ngoài cùng, bên trái) và nhóm sinh viên nghiên cứu

Đến nay, sản phẩm túi giấy sinh học đã đến được tay người tiêu dùng.

Góp phần bảo vệ môi trường

Cuối năm 2018, nhóm bốn sinh viên gồm Huỳnh Anh Bảo (Khoá 23), Phạm Thị Nhật Hạ (Khoá 23), Nguyễn Ngọc Lan Anh (Khoá 23) và Cao Nguyễn Tuyết Ngân (Khoá 22) ngành Công nghệ sinh học, bắt tay thực hiện dự án nhờ sự khích lệ và hỗ trợ của TS Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Văn Lang. Ngoài giờ học, các bạn dành phần lớn thời gian cùng thảo luận, nghiên cứu nồng độ các chất làm túi trong hơn 2 năm qua. Khi khởi động dự án, nhóm có gần 10 thành viên, về sau các bạn dần bỏ cuộc hoặc chuyển qua các nghiên cứu khác, còn lại 4 bạn vẫn đi theo đến cùng. Tuy nhiên, Cao Nguyễn Tuyết Ngân cũng vừa tốt nghiệp ra trường, hiện 3 bạn còn lại đang làm khóa luận.

Trải qua quá trình mày mò vừa học tập vừa nghiên cứu với sự hỗ trợ của giảng viên, đến tháng 11.2020, nhóm mạnh dạn gửi dự án tham gia cuộc thi Sinh viên nghiên cứu Khoa học Euréka 2020 và may mắn đoạt giải Khuyến khích. Thành công bước đầu đã khích lệ các bạn tiếp tục phấn đấu, hiện sản phẩm đã tới tay và chinh phục người tiêu dùng bởi chất lượng tốt, giá thành rẻ và đặc biệt là giúp bảo vệ môi trường. TS Vũ Thị Quyền đánh giá rất cao sự nỗ lực, cần cù của học trò, dù gặp không ít khó khăn nhưng vẫn kiên trì đến cùng để đạt được kết quả.

Lý giải về nghiên cứu gắn liền với loài cây quen thuộc này, TS Quyền chia sẻ, lâu nay thân chuối già sau khi cắt buồng mới chỉ được tận dụng vào thức ăn gia súc hoặc dùng không hết thì để cho tự phân hủy, quá trình này là mầm mống khiến sâu bệnh dễ phát triển, gây rối loạn phương pháp canh tác, ảnh hưởng đến năng suất các cây trồng xung quanh… Do vậy mà việc các em nghiên cứu tìm ra phương pháp làm túi giấy và phân bón hữu cơ từ thân cây chuối không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú mà còn bảo vệ môi trường, cho ra thị trường những sản phẩm ứng dụng hữu ích khác…

Tuy nhiên, chuối thường được trồng nhiều ở khu vực các tỉnh lân cận hoặc vùng ngoại thành TP.HCM, do vậy sau giờ học, các sinh viên chạy xe máy đi đến những nơi này xin thân chuối của các hộ nông dân. Các em cho biết, hầu hết nguồn nguyên liệu đều được dân cho, các em chỉ tốn thời gian xuống tới nơi vận chuyển rồi đưa về phòng nghiên cứu Nhà trường thử nghiệm. Quá trình tuy vất vả nhưng nhờ đam mê nên các bạn không ngại đi xa.

Thân chuối sau khai thác sẽ thực hiện qua nhiều công đoạn như tách bẹ, ép cho bớt nước, phơi khô làm héo, cắt nhỏ rồi ngâm với dung dịch tẩy, nấu sôi, xay nhuyễn và đổ khuôn. Tiếp theo là giai đoạn gia công, vẽ trang trí. Cứ thế, các thành viên cần mẫn cho ra đời chiếc túi giấy sinh học hoàn toàn bằng thủ công. Phần bẹ chuối bên ngoài được dùng sản xuất túi giấy hữu cơ có khả năng tự phân hủy với độ dai nhất định, giá thành dao động từ 6.000 - 21.000 đồng/túi. Phần thân trong cây chuối làm phân bón hữu cơ…

Sinh viên “sản xuất” túi giấy từ ...cây chuối - Anh 2

Còn rất nhiều dự án làm cùng cây chuối

Kể lại quá trình làm ra những đơn hàng đầu tiên, nhóm cho biết đã nhận được lời đề nghị đặt hàng của Khoa Mỹ thuật và Thiết kế với 10.000 tờ giấy vẽ cho sinh viên. Cùng với đó, một số doanh nghiệp khác cũng đã tìm đến đề nghị hợp tác tài trợ cho dự án. Tuy nhiên với những đơn hàng sản xuất số lượng lớn, nhóm cũng đang cân nhắc, bởi vấn đề đặt ra cho cả nhóm là sử dụng máy móc thay thế các công đoạn sản xuất thủ công. “Muốn có giá cả phù hợp, phải tiến hành nâng cấp thiết bị, máy móc chứ không chỉ là thao tác sản xuất thủ công như hiện tại. Khi thực hiện nghiên cứu trong môi trường đại học, cô trò phải chấp nhận làm thủ công, sau đó mới tìm cách nâng cấp từng bước”, TS Quyền thông tin. Theo quan điểm của nhóm, khi ứng dụng thiết bị máy móc vào cần lựa chọn phù hợp để đảm bảo đặc tính của sản phẩm hữu cơ, không phải sản phẩm công nghiệp.

Năm 2020 vừa qua, nhóm làm được giấy dùng trong thiết kế và mỹ thuật, giấy gói quà lưu niệm và túi xách từ thân chuối. Mong muốn của nhóm không chỉ dừng lại ở giấy gói mà làm sao phải đưa ra những sản phẩm giấy mang tính ứng dụng nhiều hơn như giấy gói thực phẩm, tuy nhiên loại giấy này có những quy định nghiêm ngặt hơn vì còn phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn an toàn. Được biết, Trưởng nhóm Huỳnh Anh Bảo đang tiếp tục hoàn thiện đề tài phân bón để đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của ngành Nông nghiệp. Hiện sản phẩm phân bón đã đưa về thử nghiệm ứng dụng, sau khi hoàn thành và đáp ứng các yêu cầu mới có thể đưa ra thị trường. Trong khi đó, thành viên Lan Anh theo đuổi sản phẩm mới là giấy từ thân cây chuối trộn với cùi bưởi và tiếp tục hoàn chỉnh sản phẩm giấy gói thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Sau kết quả ban đầu, nhóm vẫn còn rất nhiều dự án làm cùng cây chuối, bởi những giá trị dinh dưỡng mà cây chuối mang lại, giá trị về mặt nguyên liệu, chất xơ cho ngành chăn nuôi, kể cả ngành thủ công mỹ nghệ. Tất cả các sản phẩm làm ra từ thân cây chuối đều có thể phân hủy trong môi trường. Những chân trời mới vẫn đang chờ các bạn tiếp tục khám phá, kết hợp học lý thuyết, ứng dụng vào thực tiễn và truyền cảm hứng về tinh thần bền bỉ, mang tình yêu vào ngành học đến những người bạn xung quanh. Các sản phẩm làm ra phải dựa trên những tiêu chí như không lãng phí, tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và có giá trị ứng dụng. Các sản phẩm không chỉ dừng lại ở việc học tập và nghiên cứu trên ghế nhà trường mà nhiều mô hình, dự án của các bạn đã vươn xa hơn, mang lại giá trị kinh tế để các bạn tự tin khởi nghiệp…

Chia sẻ câu chuyện, liệu cô trò có lo lắng sau khi đã công bố quy trình sản phẩm thì sẽ bị “copy” hay không, TS Quyền cho hay những bước thực hiện thông thường sẽ giống nhau cho hầu hết các loại giấy được sản xuất từ nguyên liệu sinh học, tuy nhiên, mỗi loại nguyên liệu lại cần người làm có những kỹ năng khác nhau. Do đó, việc bị đánh cắp công nghệ hay bản quyền cũng sẽ rất khó xảy ra. 

 ANH HUY; ảnh: MINH PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc