Nghiên cứu khoa học trong học sinh phổ thông còn hạn chế
VHO- Có thể nói, với những dự án, đề tài nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) mà học sinh thể hiện ở các cuộc thi, hội thi sáng tạo KHKT ở các nhà trường phổ thông thời gian qua đã minh chứng đây là sân chơi trí tuệ, bổ ích cho các em hiện nay.
Cần "thổi" được đam mê khoa học vào học sinh Ảnh: TRÍ ĐỨC
Các hội thi, cuộc thi sáng tạo KHKT không chỉ khuyến khích HS nghiên cứu, vận dụng kiến thức đã học để có những sáng kiến, giải pháp sáng tạo, hiệu quả nhằm giải quyết các yêu cầu thực tiễn cuộc sống, mà còn góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập và phát triển năng lực của HS theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Tại Việt Nam, hàng năm có trên 10.000 dự án tham gia dự thi KHKT cấp cơ sở; cuộc thi cấp quốc gia có gần 500 dự án với gần 900 học sinh của 63 tỉnh/thành phố, các trường trung học trực thuộc và các trường trung học phổ thông chuyên thuộc các đại học, trường đại học tham dự. Trong những năm qua, đoàn học sinh Việt Nam đã liên tục tham gia Hội thi Intel ISEF tại Mỹ và đoạt được nhiều giải thưởng lớn. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, nhiều đề tài có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện tiến trình nghiên cứu, ghi chép nhật trình và trình bày báo cáo khoa học theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học. Nhiều đề tài được chuẩn bị công phu theo đúng quy định của một công trình khoa học dự thi. Một số đề tài đã tiếp cận những vấn đề có tính khái quát cao hoặc cần những kỹ thuật được thực hiện trong các phòng thí nghiệm hiện đại, giúp rèn luyện và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho các em. Hàm lượng khoa học trong nhiều dự án được nâng lên. Kỹ năng trình bày báo cáo và trả lời câu hỏi của nhiều học sinh rõ ràng, tự tin, ngắn gọn, đúng trọng tâm khoa học. Một số học sinh có sự hiểu biết khá tốt về lĩnh vực nghiên cứu của mình, chứng minh cho sự chịu khó học hỏi, tìm tòi và tham khảo các tài liệu khoa học trong nước và quốc tế. Năng lực tiếng Anh của nhiều học sinh khá tốt.
Tuy nhiên, tại “Hội thảo giáo dục các nhà khoa học trẻ lần 5”, do Trung tâm Xúc tiến chương trình nghiên cứu và giáo dục Hàn Quốc phối hợp với Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tổ chức vừa qua, TS Nguyễn Lâm Duy, Phó trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết, với hơn 7,8 triệu học sinh đang theo học ở 2 bậc THCS và THPT trên cả nước, mới có khoảng 20.000 học sinh tham gia các dự án nghiên cứu khoa học, đạt tỷ lệ chưa đến 0,3%; bình quân mỗi đơn vị trường học có một học sinh tham gia nghiên cứu. Bên cạnh đó, thực tế ghi nhận từ các địa phương cho thấy số lượng học sinh tham gia nghiên cứu khoa học chưa đồng đều ở các đơn vị trường học. Đặc biệt, trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu triển khai cuốn chiếu từ năm học 2020-2021, hoạt động nghiên cứu khoa học dù được quan tâm đầu tư nhiều hơn so với chương trình giáo dục hiện hành nhưng vẫn là hoạt động bổ trợ, nằm tách rời chứ chưa tích hợp trong chương trình đào tạo.
Thực trạng hiện nay cho thấy, sản phẩm KHKT là của học sinh phổ thông nhưng thực ra phần lớn lại là trí tuệ, công sức của các thầy cô trong vai trò là người cố vấn, hướng dẫn. Như vậy khả năng nghiên cứu khoa học của học sinh thông qua các dự án, cuộc thi còn nhiều hạn chế. Chờ đợi các em hình thành được ý tưởng, tạo ra được mô hình, sản phẩm KHKT là việc không hề đơn giản, cần có nhiều thời gian. Vẫn còn những trường, địa phương không chủ động hướng dẫn học sinh tìm tòi, sáng tạo mà tìm mọi cách đi vay mượn, xin đề tài, sản phẩm của người khác, đơn vị khác để lấy thành tích, có lợi cho học sinh của mình. Do đó, cần có các chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể, khả thi giúp hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông trở nên thiết thực, hiệu quả và thực chất. Vai trò, trách nhiệm của nhà trường, thầy cô giáo là rất quan trọng, cần thổi được niềm đam mê, cảm hứng yêu khoa học, thích nghiên cứu, sáng tạo KHKT trong học sinh. Phải để các em là chủ thể chính trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo, tuyệt đối giáo viên không làm thay tất cả, chỉ đóng vai trò người hướng dẫn.
ĐỖ TẤN NGỌC