Năm học mới bắt đầu, nỗi lo còn đó
VHO- Ngày mai 5.9, hơn 20 triệu HSSV cả nước bước vào năm học mới 2019-2020. Thế nhưng hòa trong niềm vui của hàng triệu học trò là những nỗi lo cho một năm học còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết.
Nhiều băn khoăn từ năm học trước vẫn chưa có biện pháp đủ mạnh trong năm học mới Ảnh: CHÍ HIẾU
Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục vừa được ban hành vào trung tuần tháng 8 đã nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong năm học mới.
15 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhưng vẫn thiếu!
Người ta thấy ở đây những nhóm nhiệm vụ và giải pháp quen thuộc của những năm trước và một vài nhóm nhiệm vụ mới. Đó là “Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên...”.
Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại của ngành trong năm qua đã thu hút đặc biệt sự quan tâm của dư luận thì không được nhắc đến một cách mạnh mẽ và cụ thể. Đó là sự xuống cấp môi trường văn hóa trong một số nhà trường, tình trạng xuống cấp đạo đức lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật của học sinh, giáo viên, tình trạng an toàn trường học không được đảm bảo... Giải quyết tình trạng nghiêm trọng này được lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhắc đến chỉ vỏn vẹn... 2 dòng là “tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học”. Trong khi đó, tại một cuộc hội thảo mới đây được Bộ GD&ĐT tổ chức mang tên “Văn hóa ứng xử trong trường học”, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, một trong những hoạt động được tổ chức thường xuyên những năm trước là một cuộc thi ca hát dành cho học sinh rất được các em hưởng ứng hiện đã phải tạm dừng vì không có kinh phí. Những vấn đề liên quan tới môi trường văn hóa trong nhà trường, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, đảm bảo an toàn trường học... dường như chỉ mới dừng ở mức hô hào khẩu hiệu, không phát động thành những phong trào, không đi vào thực chất...
Thậm chí vụ việc gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã khiến cho hàng loạt cán bộ giáo dục vướng vòng lao lý, dư luận, chuyên gia đã chỉ rõ những lỗ hổng, thiếu sót “chết người” trong phương án thi nhưng cho tới nay vẫn chưa có ai thuộc Bộ GD&ĐT bị xử lý, chưa có một phương án thi tối ưu nhất...
Có nên tựu trường sớm?
Trước đây, lễ khai giảng là một dịp trọng đại với nhiều lứa học sinh và cả giáo viên. Hồi hộp vì được nhận lớp mới, thầy cô giáo mới, làm quen với bạn mới, kiến thức mới... Thế nhưng vài năm gần đây, học sinh tựu trường học hành một thời gian rồi mới khai giảng khiến cho lễ khai giảng giảm nhiều ý nghĩa. Có người ví von việc tựu trường trước rồi mới khai giảng chẳng khác gì ăn uống no rồi mới dùng món khai vị. Nhiều người đặt câu hỏi, chẳng biết căn cứ vào đâu mà Bộ GD&ĐT lại ban hành khung kế hoạch thời gian năm học để quy định học sinh tựu trường sớm nhất là ngày 1.8, chậm nhất ngày 25.8 nhưng vẫn khai giảng và kết thúc năm học cùng thời gian? Khoảng thời gian dôi dư khi các trường tổ chức học sớm để làm gì? Trên thực tế, với khung thời gian chương trình đã được định trước, việc tựu trường sớm là không cần thiết vì dẫn đến rất nhiều trường hoàn thành chương trình sớm, trong khi học sinh vẫn phải đến trường hằng ngày. Thậm chí, có trường tổ chức học từ 1.8, chương trình sẽ kết thúc vào gần cuối tháng 4, học sinh vạ vật trong lớp cả tháng... chờ nghỉ hè vì theo quy định, dù có hoàn thành chương trình sớm, các trường vẫn không thể cho học sinh nghỉ hè sớm hơn so với kế hoạch! Còn trong tuần tựu trường, học sinh đầu cấp đến lác đác, chưa ổn định nên suốt cả tuần hoặc vài tuần, giáo viên luôn phải trực lớp để chờ học sinh, trong khi số học sinh đã đến lớp cũng chẳng biết làm gì. Thậm chí do thầy cô chưa dạy, đa số không mang sách vở, đến lớp chỉ nói chuyện, chơi hết buổi thì về. Thầy thì chưa dạy, trò thì chưa học nên cũng chẳng đem sách vở theo. Với lý do tựu trường sớm để làm quen với trạng thái, thầy cô, bạn học, đa số phụ huynh và nhiều giáo viên cho rằng chỉ cần tập trung trước khai giảng khoảng 2 ngày là đủ, thậm chí không cần tập trung trước khai giảng.
Trước tình trạng như vậy đã kéo dài nhiều năm nay, người nhà học sinh khi được tham khảo ý kiến đều cho rằng, không nên cho học sinh tựu trường sớm mà giữ ngày khai giảng năm học mới là ngày đầu tiên học sinh đến trường. Họ nhiệt thành ủng hộ việc các trường tiểu học ở Hà Nội cho học sinh tựu trường đúng ngày khai giảng.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), quy định tựu trường sớm nhất vào 1.8 hằng năm, khai giảng 5.9 và kết thúc năm học trước ngày 31.5, nhưng không nên thực hiện máy móc, cứng nhắc. Những địa phương có điều kiện thuận lợi có thể tựu trường vào đúng ngày khai giảng năm học 5.9.
Điều đáng mừng là mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ tính toán hợp nhất tựu trường và khai giảng nhằm tạo ra không khí vui tươi thực sự cho cả thầy và trò khi vào năm học mới. Tuy nhiên, hiện nay đang là giai đoạn quá độ giữa việc thực hiện chương trình hiện hành và sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm sau nên việc này chưa thể làm ngay.
QUỐC HÙNG