Lên cao, “chạm sóng” học online
VHO- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương đã triển khai chương trình dạy trực tuyến nhằm giúp các em học sinh “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.
Em Đinh Thị Mỹ Lệ vừa chăn bò vừa bắt sóng điện thoại để học online
Tuy nhiên, đây lại là việc rất khó đối với học sinh vùng sâu vùng xa của tỉnh Gia Lai, nơi sóng điện thoại, mạng wifi chưa thể vươn tới…
Tìm sóng điện thoại, wifi học online
Vào những ngày cuối tháng 4, dịch bệnh cùng cái nắng gay gắt không làm nhụt đi ý chí quyết tâm ôn thi THPT của cô gái người Bana Đinh Thị Mỹ Lệ (lớp 12A1 Trường THPT Hà Huy Tập, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai). Đều đặn ngày 2 buổi, Lệ cùng em trai học lớp 9 lùa đàn bò gần 20 con lên núi, và đây cũng là nơi duy nhất tại cánh rừng này các em có thể “chạm” tới sóng điện thoại để học online. Trên tay cô bé là chiếc điện thoại cảm ứng cũ kĩ và cuốn sách ôn tập. Thả đàn bò cho chúng tự do gặm cỏ, Lệ đưa cao chiếc điện thoại lên khua tứ phía để “bắt sóng” và nghe lại nội dung những bài trước đó thầy cô đã giảng.
Tâm sự với chúng tôi cô bé chia sẻ, “vừa qua các bạn trong lớp có gửi thông báo đến em là giáo viên môn Toán đã đăng video dạy online cho cả lớp tải về học nhưng mãi em vẫn chưa xem được vì sóng điện thoại chập chờn, wifi thì không có. Vì dịch khiến em không được đến trường, trong khi các bài giảng online em khó có thể tiếp cận được vì trong làng không có sóng, không có mạng. Năm nay là năm cuối cấp của em, kỳ thi THPT sắp đến gần khiến em rất lo lắng”. Ban ngày 2 chị em Lệ cùng nhau lên cánh rừng này để chăn bò và bắt sóng học online qua chiếc điện thoại cảm ứng “cùi bắp”. Tối về nhà, muốn có sóng và mạng wifi để học bài thì em phải đạp xe hơn 3km đường dốc tới UBND xã Đăk Tưang, huyện Kông Chro xin bắt nhờ wifi để nghe lại bài giảng bị lỡ. Dù có chương trình dạy học trên truyền hình, nhưng tivi nhà Lệ cũng chập chờn chả kém gì sóng điện thoại, hình lúc có lúc không, khi thì có tiếng mà chẳng có hình…
Nuôi ước mơ con chữ…
Cùng cảnh ngộ với em Lệ, em Đinh Thị Xuyết (làng Bla, xã Đăk Song, huyện Kông Chro) cũng hết sức cố gắng, không để hoàn cảnh khiến bản thân chùn bước. Ngoài thời gian chăn bò và tranh thủ bắt sóng học online, Xuyết tỉ mẩn ghi chép lại những kiến thức mình nghe giảng được trên truyền hình. Nhà Xuyết cách trường nội trú hơn 35km. Cứ cuối tuần, Xuyết lại gói ghém sách vở, quần áo cùng vài đồng bố mẹ cho rồi đạp xe lên trường nội trú để học. Với ước mơ sau này có thể trở thành giáo viên để dạy học cho những em nhỏ vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn như mình, Xuyết luôn tự nhủ rằng mình cần phải cố gắng thật nhiều, không thể vì khó khăn mà chùn bước.
Tâm sự với chúng tôi, Xuyết kể, ban ngày em phụ giúp bố mẹ chăn bò đến tối mịt mới về. Có chiếc điện thoại cảm ứng cũ, nay Xuyết đã đăng ký mạng 3G (tháng 50 nghìn đồng) để học online. Tuy nhiên mạng thì chập chờn, điện thoại thì chai pin, dùng vài chục phút là tắt ngúm khiến việc học của em rất vất vả. “Em rất sợ mình sẽ khó nắm vững được kiến thức cũng như những bài giảng online mà thầy cô giáo đăng tải”, Xuyết lo lắng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hữu Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro, Gia Lai) cho biết, trường có tất cả 624 học sinh, trong đó 153 học sinh người dân tộc thiểu số và tỉ lệ tham gia học trực tuyến chưa đạt 40%. “Kông Chro là huyện nghèo của tỉnh Gia Lai, nhiều thôn bản chưa có sóng điện thoại, mạng wifi nên việc giảng dạy online, truyền hình là không khả thi. Nhà trường cũng khuyến khích các em đã học bài giảng rồi thì cho bạn trong làng không có điện thoại mượn học”, ông Hùng nói.
KHÔI NAM