Lại chuyện diễn giả “dỏm”
VHO- Những năm gần đây, nhiều trường học đã đổi mới phương pháp giáo dục bằng cách mời các diễn giả, chuyên gia về nói chuyện với học sinh, sinh viên. Thông qua những buổi nói chuyện, tương tác, các em sẽ có thêm nhiều trải nghiệm sinh động và hữu ích từ chính diễn giả. Song, trên thực tế cũng xảy ra không ít sự cố, khi “nhân vật chính” có những phát ngôn nhầm lẫn, thiếu chuẩn mực, thậm chí là giả danh gây hoang mang dư luận.
Những talkshow được tổ chức ở các trường đại học, các cơ sở đào tạo hay câu lạc bộ, hội nhóm… nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung chia sẻ của khách mời, có thể sẽ để lại những hậu quả khó lường Ảnh minh họa
Chỉ cần có năng khiếu “chém gió”, có câu nói tạo “trend” trên mạng xã hội hay một vài clip nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng mạng là một cá nhân có thể trở thành diễn giả, có thể đi rao giảng, thuyết trình về mọi lĩnh vực của đời sống. Thế nhưng, cũng chính vì sự dễ dàng này mà xuất hiện ngày càng nhiều “diễn giả” dỏm, nhất là trong các buổi diễn thuyết với sinh viên hiện nay.
Biết nói, biết diễn thuyết là diễn giả
Mới đây nhất, biên kịch Bình Bồng Bột gây “sóng gió” khi liên tục vạ miệng thể hiện lỗ hổng kiến thức nghiêm trọng. Cụ thể, khi được mời làm diễn giả tại buổi trò chuyện Sáng tạo với chất Việt tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), Bình Bồng Bột đã sử dụng những từ ngữ hết sức “nôm na” để kể về mối quan hệ giữa Đinh Tiên Hoàng - Dương Vân Nga - Lê Đại Hành. Anh còn cho rằng, Thái hậu Dương Vân Nga là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử nhân loại “có mối quan hệ với hai vua”. Một lỗi sai khác nằm ở việc anh này khẳng định “vì diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga mà đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đã bị ném lựu đạn trên sân khấu năm 1979” (?!)
Đây không phải lần đầu tiên biên kịch Bình Bồng Bột bị phản ứng vì sai lầm kiến thức văn hóa, lịch sử. Trong tập 3 của talk show Trăm năm sân khấu do Vietcetera sản xuất, Bình Bồng Bột đưa câu hỏi khiến NSƯT Hữu Châu “chết điếng”: Có phải Cải lương đang chết không? Tôi thấy đời sống của nó tương đối ngắn ngủi. Chẳng hạn mình lấy cô Thanh Nga làm ví dụ, cô sống một đời sống rất là ngắn. Khán giả cho rằng talk show này không thực sự hiểu về văn hóa Cải lương Nam Bộ, còn Bình Bồng Bột thì có những từ ngữ “cợt nhả” cũng như thái độ thể hiện sự hời hợt trong việc nghiên cứu văn hóa. Nếu như các chương trình vẫn tiếp tục tạo “cơ hội” để Bình Bồng Bột làm diễn giả, thì e rằng có thể sẽ không phải lần cuối anh này bị lên án.
Có thể thấy, việc ngày càng có nhiều talkshow được tổ chức ở các trường đại học, các cơ sở đào tạo hay các câu lạc bộ, hội nhóm… nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đặc biệt là kiểm tra nội dung chia sẻ của các khách mời, có thể sẽ để lại những hậu quả khó lường. Như hồi cuối tháng 3, tại Hội thảo chủ đề khởi nghiệp được tổ chức tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, sinh viên đã rất bất bình với phát ngôn của diễn giả Đ.T.T: “Tụi em học đại học làm gì rồi sau này cũng đi làm thuê cho người ta”.
Không dừng lại ở việc phát ngôn vô tội vạ, mà câu chuyện càng khó lường hơn khi đơn vị mời phải diễn giả “dỏm”. Theo đó, một cá nhân có tên H.L đã tự xưng là “thành viên BTC, người làm việc, kết nối để đáp ứng technical rider giữa Thái Lan, Hàn Quốc với Việt Nam” và trở thành diễn giả, chia sẻ tại buổi workshop Góc nhìn chuyên gia từ concert Blackpink đến các sự kiện quốc tế tại ĐH Hoa Sen vào ngày 8.8 vừa qua. Tại đây, nhân vật này đưa ra nhiều thông tin về concert Blackpink, tuy nhiên, ngay sau đó đại diện chính thức của IME Việt Nam (đơn vị tổ chức Born Pink Tour Hà Nội) đã đăng tải thông tin về một cá nhân “mạo danh là ê kíp làm show Blackpink tại Việt Nam để làm diễn giả chia sẻ với các sinh viên”.
Hậu quả khó lường
Đầu tiên phải khẳng định, các buổi talkshow, hội thảo, workshop mang đến nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên khi họ được học hỏi, trao đổi, tích lũy kinh nghiệm thực tế, bổ sung thêm nhiều thông tin hữu ích… Nhất là khi diễn giả được mời tham gia là những người có kinh nghiệm, có sức ảnh hưởng nhất định, thậm chí là “thần tượng” của giới trẻ. Do đó, việc đảm bảo thông tin chính xác, cách truyền tải thuyết phục và phù hợp là điều quan trọng nhất. Đặc biệt, câu chuyện phát ngôn trước công chúng không thể ở lằn ranh “thích gì nói nấy”. Bởi, ngay sau đó các thông tin, clip sẽ được lan tỏa rất nhanh trên mạng xã hội và lượng người tiếp cận sẽ rất lớn, dù vẫn chưa biết đúng hay sai. Điều này đặt ra vấn đề, các đơn vị tổ chức phải cẩn trọng hơn trong khâu chuẩn bị, lựa chọn khách mời như thế nào, chương trình tập trung vào nội dung gì và phải được bàn bạc, thống nhất trước để có sự kiểm soát nhất định.
Trong trường hợp xảy ra sai sót, việc nhận lỗi và sửa sai nhanh chóng là điều rất quan trọng, bởi thông tin đính chính, phản hồi sẽ giúp ngăn chặn việc các thông tin sai lệch bị phát tán, gây ra dư luận xã hội tiêu cực. Thế nhưng, trước những lùm xùm ấy thì các “diễn giả” dỏm dường như luôn chọn im lặng và “lặn mất tăm”, chỉ có phía đơn vị đứng ra tổ chức xin lỗi và giải thích. Như sự việc khách mời Đ.T.T tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, dù than phiền của các bạn sinh viên không nhắc đến tên vị diễn giả, nhưng ngay sau đó, ông này đã lập tức đáp trả “đanh thép” bằng một clip trên TikTok và cho rằng mình là nạn nhân. Đáng nói hơn, trong clip có chạy dòng chữ: “Những bạn sinh viên này tương lai sẽ đi về đâu...?” khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, bởi ai cũng nghĩ đã mang danh là “diễn giả” thì sẽ có những cách hành xử chuẩn mực, khéo léo, có văn hóa, chứ không phải theo kiểu “chợ búa” như vậy.
Rõ ràng, không phải cứ đứng trước công chúng nói chuyện trôi chảy, lưu loát và rao giảng về một vấn đề nào đó thì được xem là diễn giả. Trên hết, cá nhân ấy phải có hiểu biết, kiến thức và có trách nhiệm với những lời nói của mình. Như vụ việc của Bình Bồng Bột, việc phát ngôn thiếu hiểu biết về Cải lương sẽ khiến các bạn trẻ hiểu sai về bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Thay vì gìn giữ, phát triển và bảo tồn như bao người tâm huyết đã và đang làm, thì nay những thông tin sai lệch chỉ trong vài phút ngắn ngủi đã dễ dàng “chạm” đến 500 sinh viên có mặt ở buổi giao lưu hôm ấy và thậm chí là hơn thế nữa. Nhưng rồi, tất cả những câu từ “vạ miệng” ấy vẫn không một lời giải thích từ chính “tác giả”.
THẢO MY