Không được phép công bố các thí sinh đã trúng tuyển sớm và gọi nhập học sớm
VHO - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại Hội nghị tuyển sin h năm 2023 vừa tổ chức sáng nay 3.3, tại Hà Nội.
Không được phép công bố các thí sinh đã trúng tuyển sớm
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, tuyển sinh luôn là một nhiệm vụ quan trọng hằng năm, toàn ngành và là chủ thể quan tâm của toàn xã hội. Việc tuyển sinh đại học, cao đẳng tác động trực tiếp, hệ trọng tới trước hết gần 1 triệu học sinh lớp 12 mỗi năm và cả 2 triệu học sinh lớp 10, 11; cùng với từng đó số gia đình, chiếm ít nhất khoảng 5% dân số.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Việc gần 600.000 học sinh mỗi năm vào học trường nào, ngành nào là một trong những yếu tố quyết định tương lai không chỉ của bản thân từng học sinh và gia đình, mà còn là tương lai của đất nước, toàn xã hội.
Mỗi học sinh và gia đình đều mong muốn đạt sự lựa chọn tốt nhất, sự lựa chọn tối ưu theo nguyện vọng, năng lực và điều kiện, trong kỳ tuyển sinh thuận lợi, tin cậy, công bằng và minh bạch. Mỗi thầy cô dạy học THPT đều mong muốn học trò của mình, lớp học của mình có nhiều em đỗ đạt vào các trường tốp trên. Các nhà trường và địa phương đều mong muốn tỉ lệ cao học sinh của mình trúng tuyển vào đại học, cao đẳng. Mỗi trường đại học đều mong muốn tuyển được nhiều sinh viên giỏi, vào đủ chỉ tiêu các ngành học, bởi vì, khả năng thu hút thí sinh vào học trước hết cũng là một chỉ số quan trọng thể hiện uy tín, chất lượng của một trường đại học.
Nhìn ngược lại, chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng lại là một yếu tố then chốt tác động tới chất lượng đầu ra của sinh viên, và cũng góp phần làm tăng hay giảm uy tín của một trường đại học. Kết quả tuyển sinh cũng là một chỉ số quan trọng về việc phát triển bền vững của một trường đại học. Tuyển sinh tốt cũng sẽ tạo ra hiệu quả hoạt động tốt cho nhà trường, và có được hiệu quả hoạt động tốt, nhà trường có cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại giá trị, lợi ích cho người học và cho xã hội.
Đối với toàn xã hội, việc các lĩnh vực đào tạo, các ngành nghề được các em sinh viên lựa chọn, sẽ tác động tới phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, cùng với phát triển khoa học công nghệ, đóng góp cho việc tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế, xã hội, đất nước.
Toàn cảnh Hội nghi
Vì vậy tuyển sinh không chỉ là việc riêng của mỗi trường đại học mà là sân chơi chung của các trường đại học trong hệ thống, là trách nhiệm của toàn ngành, không chỉ là của hệ thống giáo dục đại học.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, kỳ tuyển sinh năm 2022, cả nước có 521.263 thí sinh nhập, đạt 83,39%, cao hơn số nhập học của năm 2021, 2020. Trong số 330 cơ sở đào tạo, có 194 cơ sở đào tạo (58,67%) có tỉ lệ nhập học đạt trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.
Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, thì kỳ tuyển sinh năm 2022 cũng còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có vấn đề xét tuyển sớm.
Việc xét tuyển sớm, được không ít cơ sở đào tạo (CSĐT) ủng hộ vì tạo sự chủ động và giữ được thí sinh, nhưng một số thí sinh “ung dung” nghĩ rằng mình đã trúng tuyển, đã nhập học mà không đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD&ĐT dẫn đến “trượt oan”.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cũng chỉ ra rằng, việc một số CSĐT không báo cáo kết quả xét tuyển sớm lên Hệ thống, báo cáo không đúng thời gian quy định; gọi thí sinh nhập học khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT cũng dẫn tới một số nhầm lẫn, sai sót của thí sinh, gây thiệt hại cho chính thí sinh. Bên cạnh đó, có một số trường hợp chưa đảm bảo công bằng với xét tuyển bằng kết quả thi THPT.
Để tránh tình trạng thí sinh tưởng đỗ thành trượt do các sai sót trong xét tuyển sớm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chấn chỉnh: “Các trường tổ chức xét tuyển sớm, chúng tôi cũng xin nhấn mạnh lại, chúng ta không được phép công bố các em hoàn toàn đủ điều kiện trúng tuyển cũng như không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời điểm quy định”.
Các mốc thời gian quan trọng của kỳ tuyển sinh năm 2023
Theo Dự thảo kế hoạch tuyển sinh năm 2023 được Bộ GD&ĐT thông tin tại Hội nghị, có các mốc thời gian quan trọng, thí sinh cần lưu ý, như sau:
Từ ngày 5.7 đến ngày 11.7: Cấp tài khoản bổ sung cho các thí sinh đã tốt nghiệp THPT, trung cấp chưa có tài khoản đăng ký xét tuyển trên hệ thống.
Từ ngày 5.7 đến 17h ngày 25.7: Đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định.
Ngày 20.7: Công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
17h ngày 22.7: Hoàn thành việc điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên hệ thống và trang thông tin điện tử của CSĐT đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (nếu có).
Từ ngày 26.7 đến 17h ngày 5.8: Nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
Từ ngày 9.8 đến 17h ngày 12.8: Tải dữ liệu, thông tin xét tuyển; điểm thi tốt nghiệp THPT; kết quả học tập cấp THPT trên hệ thống; điểm các kì thi (nếu có). Tổ chức xét tuyển.
Từ 9.8 đến 17h ngày 12.8: Xử lý nguyện vọng trên hệ thống để xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.
17h ngày 14.8: Hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.
17h ngày 30.8: Thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Theo kế hoạch này, thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học năm nay sẽ sớm hơn một tháng so với năm 2022.
HOÀNG HƯƠNG; ảnh: Bộ GD&ĐT