Khơi dậy tình yêu di sản văn hóa trong học đường

VHO - Những giờ học ngoại khóa với các chương trình trải nghiệm tìm hiểu Di sản văn hóa Huế đã trở thành điểm nhấn tạo sự hứng khởi cho học sinh các cấp. Công tác giáo dục di sản đã được tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào học đường, lan tỏa sâu rộng trong các thế hệ trẻ.

Khơi dậy tình yêu di sản văn hóa trong học đường - Anh 1

 Học sinh tìm hiểu về di sản văn hóa phi vật thể múa Cung đình và trải nghiệm, tương tác với các nghệ sĩ

Hợp tác triển khai giáo dục di sản - văn hóa - nghệ thuật

Thời điểm đầu năm mới 2024, liên tục mỗi ngày đều có các nhóm học sinh đến tham quan trải nghiệm và tìm hiểu di sản văn hóa tại các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.

Em Nguyễn Phúc Nguyên, học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Ninh, TP Huế hào hứng cho biết: “Em thấy rất vui khi được cùng các bạn tham gia chương trình ngoại khóa tìm hiểu di tích Lăng vua Tự Đức. Qua chương trình, em biết thêm được nhiều thông tin về lịch sử cũng như kiến trúc nơi đây. Em mong muốn sẽ được tiếp tục tham gia các hoạt động trải nghiệm di sản văn hóa ở các điểm di tích khác của Huế”.

Để phù hợp với độ tuổi và các cấp học của học sinh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã xây dựng khung chương trình giáo dục di sản với 8 chuyên mục, đó là: Tham quan Đại Nội Huế, xem lễ đổi gác và tìm hiểu các công trình di tích, tương tác với người hướng dẫn chương trình; Xem biểu diễn Nhã nhạc và múa cung đình, tìm hiểu di sản phi vật thể và tương tác với các nghệ sĩ tại Nhà hát Duyệt Thị Đường; Xem biểu diễn Ca Huế, tham quan và tìm hiểu các công trình di tích, tương tác với các nghệ sĩ Ca Huế; Tham quan và tìm hiểu các khu vườn Thượng uyển trong Hoàng cung, tương tác với các nghệ nhân; Tham quan, học tập, tìm hiểu về Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và trải nghiệm các trò chơi cung đình xưa; Tham quan tại cung An Định và trải nghiệm các trò chơi; Tham quan và tìm hiểu tại các lăng Vua triều Nguyễn như lăng Minh Mạng, Khải Định, Tự Đức, Đồng Khánh; Tham quan tìm hiểu về Lầu Tàng Thơ, trải nghiệm tô màu trên quạt giấy, vẽ ký họa hình ảnh di sản trên quạt giấy…

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Từ năm 2022, Trung tâm và Phòng GD&ĐT TP Huế đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai Chương trình giáo dục di sản - văn hóa - nghệ thuật trong các trường học trên địa bàn TP (2022-2027). Trong năm 2023, Trung tâm đã đón tiếp 263 đoàn học sinh và giáo viên đến tham gia, trải nghiệm tại các điểm Di tích Huế (tổng số là 25.184 người). Hiện chúng tôi đang tiến hành hoàn thiện chương trình giáo dục di sản để tạo sự hứng thú và có thể truyền tải đến các em học sinh những thông tin bổ ích nhất để không tạo sự nhàm chán, nặng nề về nội dung.

Không chỉ tập trung ở khu vực TP Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT để triển khai hiệu quả và lan tỏa chương trình “Giáo dục di sản văn hóa Huế” trong các trường học trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động để sớm hình thành và vận hành Trung tâm Giáo dục di sản - nghệ thuật Cố đô Huế, hướng đến việc truyền đạt, phổ biến, lan tỏa giá trị di sản văn hóa Huế đến với học sinh các cấp; định hướng dài hạn sẽ xây dựng Huế thành điểm đến về giáo dục di sản, trại hè di sản…

“Chúng tôi sẽ phối hợp với ngành Giáo dục để đánh giá công tác giáo dục di sản văn hóa trong thời gian qua; đồng thời, xây dựng chương trình dành cho cấp THPT và triển khai chương trình sâu rộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng với đó, tiến hành biên soạn tài liệu, giáo trình về giáo dục Di sản Huế một cách khoa học, hiệu quả. Phối hợp với các đối tác, các khu di sản, trường học xây dựng một số chương trình dành cho giới trẻ, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh và quốc tế; truyền thông lan tỏa thông tin về Di sản Huế đến với giới trẻ và cộng đồng”, ông Hoàng Việt Trung thông tin.

Khơi dậy tình yêu di sản văn hóa trong học đường - Anh 2

 Tham quan, tìm hiểu tại di tích Lăng vua Tự Đức

Hoạt động trải nghiệm, giáo dục văn hóa và gia đình

Cùng với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, các đơn vị thuộc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng triển khai nhiều hoạt động trải nghiệm, giáo dục văn hóa và gia đình trong các trường học. Mới đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình triển lãm, tuyên truyền lưu động về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường THPT Cao Thắng, THCS Chu Văn An… Đồng thời, tổ chức hội thi Kể chuyện về Bác Hồ, hội thi Rung chuông vàng với chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với truyền thống văn hóa giao đình Việt Nam.

Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Thừa Thiên Huế là mảnh đất ghi dấu thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước trong hơn 10 năm tại đây (qua hai giai đoạn 1895-1901 và 1906-1909). Những năm tháng ấy, bối cảnh lịch sử xã hội Huế, văn hóa con người xứ Huế đã được thẩm thấu, phản ánh lại trong tâm hồn Người, là cội nguồn hình thành lối sống thanh bạch, giản dị, phong cách ứng xử trí tuệ đặc trưng của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học mang đậm nét điển hình của văn hóa Việt Nam: Coi trọng đạo đức truyền thống, học vấn và phương pháp giáo dục con cái. Người được thừa hưởng nhiều đức tính tốt đẹp từ nền giáo dục của gia đình. Chính vì vậy, sinh thời Người luôn đề cao vai trò của gia đình, đặc biệt là trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác gia đình, góp phần xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa trong các gia đình Việt Nam; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên, nuôi dưỡng các thế hệ tương lai phát triển đầy đủ và lành mạnh, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.

“Những hoạt động tại các trường học hết sức ý nghĩa, mang tính tuyên truyền giáo dục cao, tạo điều kiện cho các em học sinh tìm hiểu sâu hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa gia đình, nắm bắt những nội dung về xây dựng gia đình trong tình hình mới. Từ đó, giúp các em nâng cao ý thức về vị trí, vai trò của gia đình và công tác xây dựng văn hóa, đặc biệt là theo truyền thống văn hóa Huế”, bà Lê Thùy Chi nhấn mạnh. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc