Khi đề thi nói về sự nông nổi của giới trẻ
VHO- Mới đây, đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 tại TP.HCM nhận được nhiều ý kiến tích cực khi cho học sinh bàn về sự bồng bột, nông nổi của những người trẻ trong cuộc sống ngày nay. Có thể nói đây là một đề thi khá hiếm hoi, gợi mở nhiều cảm hứng để học sinh bày tỏ quan điểm của mình trong cuộc sống, phù hợp với một đề thi học sinh giỏi.
Đề thi là thông điệp để giới trẻ nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống
Theo đó, ở câu 1 đề thi có nội dung: “Trong tập thơ Có người sực tỉnh cơn mơ…, nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân trải lòng: Mình cậy trẻ, dễ phá đi làm lại/ Chút sai lầm, chưa sửa đã toan buông/ Rồi đến lúc chẳng còn nhiều lựa chọn/ Đành yên lòng chấp nhận chuyện sai hơn”. Đề yêu cầu thí sinh hãy viết về một bài học cuộc sống rút ra được từ bài thơ trên.
Theo thành viên hội đồng biên soạn đề thi, đây là dạng câu hỏi mở, câu hỏi này đòi hỏi thí sinh thể hiện kỹ năng đọc hiểu và nêu được quan điểm, suy nghĩ của mình. Thí sinh có quyền đồng tình hoặc phản biện, tuy nhiên phải thể hiện năng lực bảo vệ quan điểm của mình sao cho thuyết phục… Chia sẻ ý kiến về đề thi này, nhiều giáo viên nhận định đây là một câu hỏi hay và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, thông qua đó học sinh nói lên chính kiến, suy nghĩ của người trẻ trong cuộc sống hiện đại. Với nhịp sống vội vã này, nếu chúng ta vội vàng, nông nổi, để rồi vấp ngã mà không tìm cách đứng lên, lấy đó làm bài học trải nghiệm cho bản thân, chỉ biết “cậy sức trẻ” để sai lầm này nối tiếp sai lầm khác, rồi đến một ngày sẽ không thể quay lại, phải buông xuôi phó mặc, để mà “đành lòng chấp nhận chuyện sai hơn”.
Đề thi đã khiến cho thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên dạy Toán Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) thích thú khi viết bài cảm nhận gửi đến các học sinh của mình rằng: “Thanh xuân là những chuyến đi xa/ Để lấp đầy những chông chênh vấp ngã/ Để thấy bình thường nơi xa lạ/ Bỗng nhiên gợi nhớ dáng quê nhà/ Nơi bắt đầu của một hành trình xa…”. Thầy Lâm Vũ Công Chính đặt câu hỏi, tuổi trẻ bồng bột mang đầy khát vọng hoài bão, giữa muôn vàn thách thức và cơ hội, liệu tuổi trẻ có được cứ vấp ngã vì cuộc đời cho phép?
“Điều mà nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân muốn gửi gắm qua hai câu thơ “Mình cậy trẻ, dễ phá đi làm lại/ Chút sai lầm, chưa sửa đã toan buông”, có thể bắt gặp khi các bạn trẻ cần đưa ra sự lựa chọn trong công việc, trong cuộc sống, và cũng có khi đó là sự dễ dãi trong cách yêu của giới trẻ hiện nay. Tuổi trẻ có nhiều cơ hội để lựa chọn, thể hiện nhưng các bạn trẻ ơi, đừng vội bước vào cuộc sống người khác bằng sai lầm, đừng vội lao vào yêu đương một cách mù quáng. Yêu cuồng sống vội chốc lát sẽ chóng tàn”, thầy Chính bày tỏ. Theo giáo viên Lâm Vũ Công Chính, thật đâu dễ đưa ra quyết định chấp nhận hay buông bỏ, khi ta phải đứng giữa ngã ba đường. Người khôn ngoan sẽ thấy trước đích đến để chọn con đường sẽ đi. Người vội vàng chọn sai thì phải đi một đoạn đường khá xa, để rồi cuối cùng quay lại vạch xuất phát, khi đó đã mất rất nhiều thứ quý giá như thời gian, công sức, phí cả tuổi thanh xuân, cho một bài học cay đắng, xót xa, như câu “Đói lòng ăn trái khổ qua/ Nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười”.
Theo giáo viên Đỗ Đức Anh, tổ Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP. HCM), nội dung câu hỏi hay, đòi hỏi các học sinh thể hiện tư duy phản biện, có cái nhìn đa chiều trước một vấn đề thực tế mà trong cuộc sống bạn trẻ nào cũng đôi lần gặp phải. Do vậy từ đây, các bạn trẻ có thể nhìn nhận lại bản thân, không vội vàng, bồng bột mà cần suy nghĩ chín chắn để không dẫn đến những hành động sai lầm rồi đến khi ân hận thì đã muộn. Cùng có chung suy nghĩ này, một cô giáo dạy Văn ở Trường THPT An Biên (Kiên Giang) đánh giá, cách cho đề sẽ gợi mở nhiều hướng trả lời cho học sinh, nhưng quan trọng nhất là đề thi đã chạm tới những vấn đề thời sự của cuộc sống, nhận diện lối sống của giới trẻ trước những biến động xã hội ngày nay. “Phải chăng các bạn trẻ có cái tôi quá lớn, thường cho rằng mình làm đúng, thậm chí biết sai nhưng vẫn cố chấp?”, cô giáo này băn khoăn.
Quả thật, tuổi trẻ là một lợi thế khi cho rằng thời gian còn dài, sức trẻ còn dai, dẫu sai lầm thì vẫn có thể làm lại? Tuy nhiên, thông điệp của các câu thơ muốn nhắn nhủ các bạn trẻ đừng vì thế mà cho rằng “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”, vì thực tế có những sai lầm không có cơ hội để sửa chữa hoặc có cơ hội nhưng các bạn không chịu sửa. Do vậy mà câu hỏi trong đề thi không chỉ dừng lại ở một đề thi, một yêu cầu về thể loại bài văn nghị luận mà đó còn là thông điệp để người trẻ nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống của mình một cách thấu đáo hơn.
Bởi lẽ rằng có những thứ đôi khi không làm sai chưa chắc đã biết mình cần làm đúng, cuộc sống sẽ khó tránh việc sai hay đúng, quan trọng nhất là cách mình nhìn nhận, đánh giá và vượt qua cái sai đó theo hướng tích cực. “Nguyên lý của phương pháp Thử và Sai (Trial and Error Method) là tuần tự thử triển khai các giả thuyết sai cho đến khi tìm được kết quả đúng, như cách mà nhà bác học Thomas Edison thất bại hơn 10.000 lần để mang lại ánh sáng cho nhân loại. Dẫu vậy có những cái sai sửa được, cho ta một cơ hội thứ hai để thực hiện lại, cho ta một bài học để trải nghiệm. Nhưng cũng có những cái sai mãi mãi không sửa được, không được phép sai, đòi hỏi chúng ta phải cẩn trọng, trân quý”, giáo viên Lâm Vũ Công Chính chia sẻ.
THÙY TRANG