Học viện Đào tạo Hoạt hình Quốc tế chính thức gia nhập lĩnh vực giáo dục
VHO - Thuộc khối các trường học ngoài công lập, Học viện Đào tạo Hoạt hình Quốc tế Sconnect (Học viện SAMA) cũng chính thức gia nhập lĩnh vực giáo dục với các chuyên ngành lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam như: Kỹ thuật hoạt hình, Sản xuất phim hoạt hình, Biên kịch hoạt hình, Tạo hình Game 3D...
Ngành tạo hình Game 3D được Học viện SAMA giới thiệu trong Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp Bách khoa 2024 tại Hà Nội
Bùng nổ nhóm ngành mới và cơ hội trở thành công dân toàn cầu
Các trường Đại học thuộc khối truyền thống luôn giữ vững phong độ trên bảng xếp hạng yêu thích của sĩ tử sau nhiều năm. Tuy nhiên, vào năm 2024, sự xuất hiện của nhiều nhóm ngành mới đã làm cán cân này dịch chuyển đáng kể.
Các nhóm ngành sáng tạo và công nghệ điện tử ngày càng phổ biến. Trong khi đó, tư duy lựa chọn ngành học - trường học của phụ huynh và học sinh cũng cởi mở hơn giúp các nhóm ngành mới dễ dàng tiếp cận và chứng tỏ được đầu ra đầy triển vọng.
Đặc biệt, xu hướng chọn ngành chọn nghề ghi nhận phản hồi tích cực dành cho các khối ngành nghệ thuật trong năm 2023; định kiến về các nhóm ngành nghệ thuật "chỉ có điều kiện tài chính tốt mới theo đuổi" hoặc "không dành cho người không có năng khiếu" dần được xóa mờ. Khoảng cách giữa đam mê và sự nghiệp dần được rút ngắn với các chương trình học hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Năm 2024, các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc đã cập nhật thêm nhiều nhóm ngành đa dạng nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mở thêm hai ngành mới là An toàn thông tin và Ngôn ngữ Trung Quốc; trường Đại học Khoa học tự nhiên mở thêm các ngành về năng lượng mới, vật liệu mới; Đại học Ngoại thương tiếp tục phát triển lĩnh vực đào tạo với các ngành nghệ thuật.
Thuộc khối các trường học ngoài công lập, Học viện Đào tạo Hoạt hình Quốc tế Sconnect (Học viện SAMA) cũng chính thức gia nhập lĩnh vực giáo dục với các chuyên ngành lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam như: Kỹ thuật hoạt hình, Sản xuất phim hoạt hình, Biên kịch hoạt hình, Tạo hình Game 3D... Tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh Bách khoa 2024, hàng ngàn sĩ tử từ các tỉnh miền Bắc đã có mặt và bày tỏ sự thích thú với nhóm ngành về Hoạt hình cũng như Thiết kế Game hoàn toàn mới.
“Lần đầu tiên em biết đến nhóm ngành này, chương trình học rất mới lạ, tham quan không gian trải nghiệm của trường, em cũng định hình được mình sẽ học gì và làm gì. Việc thực hành thử giúp em biết bản thân có phù hợp với ngành học hay không. Em thấy đây là một nhóm ngành đáng để lựa chọn dành cho các bạn đam mê làm phim hoạt hình", Thuỳ Vân, học sinh cấp ba tại Hà Nội chia sẻ.
Học 2 năm, tốt nghiệp sớm có đáng để đầu tư?
Cũng trong Ngày hội Tư vấn tuyển sinh Bách khoa 2024, nhiều phụ huynh bày tỏ sự cởi mở trong tư duy chọn trường, chọn ngành: “Tôi đồng hành cùng con khi lựa chọn ngành học phù hợp cho tương lai chứ không chọn sẵn cho con”, chị Khánh Nga nói. Bàn về vấn đề này, TS. Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh từng chia sẻ: “Các trường Việt Nam cần thiết kế lại chương trình để đi vào hướng chuyên ngành nhiều hơn, không nên dạy dàn trải, đòi hỏi người học phải biết đủ thứ. Với việc đào tạo chuyên sâu, sinh viên tốt nghiệp sớm hơn và ra trường có thể làm việc được ngay, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Nếu chương trình dài, người học sẽ tốn kém, nguồn nhân lực cũng không tinh. Nên cải tiến chương trình để rút ngắn thời gian đào tạo”.
Câu hỏi đặt ra là có nên chọn các chương trình đào tạo 2 năm để tốt nghiệp sớm? Nhìn lại năm 2022, theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) lao động có trình độ cao đẳng và đại học trở lên chiếm hơn nửa số lao động chất lượng cao (63,1%), riêng đại học trở lên là 46,5%, trong khi trình độ trung cấp nghề chỉ khoảng 20,6%.
Giám đốc, Hiệu trưởng Học viện SAMA- bà Thương Vũ (thứ 2 từ trái sang) trao đổi cùng các học sinh, sinh viên trong sự kiện tại trường Đại học KHXH & NV
Thị trường Việt Nam đang thiếu lao động có chuyên môn thực tiễn, kỹ thuật và tay nghề cao, có khả năng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng trong thời gian nhanh nhất. Những nhân sự có trình độ từ đại học trở lên có thể đáp ứng được yếu tố về chuyên môn, song do đặc trưng của chương trình học thiếu thực hành nên khó đạt yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Thực tế này đang phản ánh tình trạng mất cân bằng giữa giáo dục nghề chuyên nghiệp và giáo dục đại học theo hướng hàn lâm, nghiên cứu. Tại thời điểm năm 2023, các chương trình đào tạo 2 năm nhận được nhiều sự chú ý hơn, việc lựa chọn phương án giáo dục nhanh, đi làm sớm được không ít phụ huynh, học sinh cân nhắc, tìm hiểu.
Với nhiều ngành nghề mà doanh nghiệp chú trọng kinh nghiệm thực tiễn hơn lý luận thì kiến thức căn bản làm nền tảng là yếu tố bổ trợ, thực hành và đồ án thực tế mới là điều kiện quyết định việc làm về sau.
Theo đó, xu hướng chọn lựa các trường học có thời gian đào tạo ngắn hơn đang dần phổ biến trong năm 2024. Giám đốc, Hiệu trưởng Học viện SAMA- bà Thương Vũ chia sẻ tại Ngày hội việc làm - Kết nối nhà tuyển dụng 2024 tại Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Dù đang phát triển theo đúng hay trái ngành học, bạn sẽ luôn phải đối mặt với vấn đề chuyển đổi việc làm bởi sự yêu cầu của thời đại, của nhu cầu sử dụng lao động và chính sự thay đổi của cá nhân.
Để có sẵn một tâm thế tốt và luôn sẵn sàng với mọi cơ hội - thách thức mà thời đại mang tới, các nhân sự trẻ có xu hướng phát triển song song cả chương trình nghiên cứu lý luận trên ghế giảng đường đại học và các chương trình học nghề thực tế khác”.
Với góc nhìn cởi mở cùng điều kiện thuận lợi, các bạn trẻ có nhiều cơ hội để học tập và phát triển. Việc lựa chọn tốt nghiệp sớm hay học song bằng không còn là điều lạ lẫm trong xã hội hiện đại. Nhờ đó, thế hệ trẻ được kỳ vọng sẽ cải thiện nhiều yếu điểm trong hành trình chọn nghề so với lớp anh chị đi trước: chọn theo sở thích, chọn theo đam mê và chọn theo thực tế.
QUYÊN ANH