Học sinh không có thời gian để… ngủ
VH- Mấy ngày qua, đề tài nghiên cứu khoa học “Vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT tại TP.HCM” của hai nữ sinh Trường THPT Gia Định tại vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp TP năm học 2017-2018 đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Công trình nghiên cứu của các em như một lời cảnh báo về tình trạng áp lực học tập và sự ảnh hưởng của thiết bị công nghệ đã “nuốt” của học sinh quá nhiều thời gian.
Áp lực học hành khiến nhiều học sinh thiếu ngủ. Trong ảnh: Học sinh ngủ gật trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại TP.HCM
Theo chia sẻ của hai tác giả thực hiện đề tài, học sinh thiếu ngủ là một tình trạng rất phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và học tập, thế nhưng, không ai đề cập đến điều này, không một giải pháp nào được đưa ra. Trong lớp, các em thường chứng kiến bạn bè mình hay ngủ gật vì thiếu ngủ.
Qua quá trình khảo sát đối với gần 7.400 học sinh ở các trường THPT trên địa bàn TP.HCM, hai tác giả đã thu được kết quả đáng báo động: cứ 10 học sinh thì có đến 8 em gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng trực tiếp từ giấc ngủ. Có gần 82% học sinh ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày; trên 44% HS không ngủ trưa. Thời gian học sinh đi ngủ trước 22 giờ chỉ chiếm 8,6%; phần lớn học sinh đi ngủ từ 23 giờ - 0 giờ với gần 40%; đặc biệt có đến 20,7% học sinh đi ngủ sau 0 giờ…
Như vậy, từ kết quả này có thể thấy có hơn 81% học sinh ngủ không đủ giấc. Số giờ ngủ của học sinh đang đi ngược với khuyến cáo được đưa ra từ 8-10 giờ mỗi ngày với lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên. Nghiên cứu của hai tác giả cho biết hai nguyên nhân chính làm thời gian ngủ của học sinh bị thiếu và đảo lộn nghiêm trọng là do áp lực học tập và ảnh hưởng từ thiết bị công nghệ. Trong đó, áp lực học tập, kiểm tra và thi cử là nguyên nhân hàng đầu. Cụ thể, thiếu ngủ do chuẩn bị cho kỳ thi chiếm 90%; có bài kiểm tra vào ngày hôm sau là hơn 89%; làm bài tập và học bài là gần 87% và trên 62% là thời khóa biểu chưa hợp lý.
Cùng với việc nêu ra các con số cảnh báo, hai tác giả học sinh cũng đề xuất ba giải pháp với cơ quan chức năng nhằm cải thiện tình trạng thiếu ngủ của các bạn: lùi giờ học; thay đổi thời khóa biểu phù hợp hơn; giảm bài tập về nhà. Trong dự án của mình, các em cũng đề xuất một số hoạt động để tuyên truyền về vai trò của giấc ngủ đến học sinh như phát hành cẩm nang “Đời dài đừng ngủ ngắn”, Bộ ảnh “Mối nguy hại của smartphone trước giờ ngủ”. Và đặc biệt là bộ ảnh “Hãy cho em ngủ” là tiếng nói thay cho các bạn học sinh gửi đến ngành Giáo dục.
Theo các chuyên gia, nghiên cứu của các học sinh cho thấy lâu nay người lớn còn thiếu sự quan tâm đến các em, trong đó phải kể đến là áp lực bài vở, học hành; những mối quan tâm, lo lắng về đời sống, tâm sinh lý, bạo lực học đường khiến các em bị stress. Bên cạnh đó sự chi phối của các thiết bị công nghệ, smartphone khiến các học sinh hết giờ học là cầm ngay điện thoại cho đến khuya mà nhiều phụ huynh vì thiếu quan tâm mà bỏ quên.
Chia sẻ của cô Đặng Thị Liên, giáo viên dạy môn Sinh của Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP.HCM cho hay, thiếu ngủ sẽ khiến sức khỏe các em giảm sút và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển trí tuệ, nhân cách. Cũng theo cô Liên, về nguyên nhân áp lực do học tập, bài vở, không riêng học sinh THPT mà qua tìm hiểu cô nhận thấy, kể cả học sinh tiểu học và THCS cũng có chung tình trạng này. Ngoài các nguyên nhân kể trên, thì áp lực còn đến từ phụ huynh khi có một thực tế là cha mẹ thường bắt con mình phải đi học thêm, phải bằng bạn này, bạn kia. Ngoài giờ học ở trường, tối đến còn đi học thêm thì quá sức với các em.
Khánh Hân