Học nghề sau khu tốt nghiệp THCS: Chương trình 9+: Hướng đi mới 4.0
VHO- Thêm một hướng đi dành cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, đó là Chương trình 9+ do Bộ LĐ,TB&XH thí điểm dạy và học tại một số trường. Hướng đi này giúp các em rút ngắn 2-3 năm để có bằng đào tạo nghề so với các chương trình học thông thường và có thể lập nghiệp từ tuổi 18-19.
Ông Đỗ Văn Giang (thứ hai, bên trái) và các đại biểu tại buổi Tọa đàm Ảnh: MẠNH DŨNG
Hiện đang là thời điểm nước rút để học sinh THCS thi tốt nghiệp, sau đó tiếp tục cạnh tranh vào các trường THPT công lập. Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm nay, dự kiến, TP Hà Nội có 107.246 học sinh xét tốt nghiệp THCS, khoảng 62% số thí sinh được tuyển vào trường THPT công lập, 2,6% vào trường công lập tự chủ, 20% vào trường ngoài công lập, 7,5% dự tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 7,9% (khoảng hơn 8.000 em) tham gia học nghề.
Năm nay, các trường nghề rộng cửa chào đón học sinh “bẻ ghi” chuyển sang học nghề đồng thời với học văn hóa, được gọi là Chương trình 9+ (tên gọi tắt của chương trình đào tạo dành cho học sinh tốt nghiệp THCS tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nêu tại Công văn 2817/ LĐTBXH – TCGDNN ngày 13.7.2018 của Bộ LĐ,TB&XH). Để học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về hình thức học này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) và Trường Trung cấp công nghệ Thăng Long đã tổ chức buổi Tọa đàm Chương trình 9+: Hướng đi mới 4.0. Tại đây, ông Đỗ Văn Giang, Vụ phó Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, thực tế mô hình 9+ đã từng triển khai từ những năm 1980 với tên gọi Trung học nghề, nhưng sau đó trầm lắng xuống. Khoảng 5 năm trở lại đây, mô hình 9+ đang tái khởi động nhằm định hướng phân luồng ngay từ THCS và đã đạt được một số thành công như Trường CĐ Công nghệ và Thương mại Vĩnh Phúc, Trường CĐ Thương mại Vĩnh Phúc, Trường CĐ nghề Vĩnh Phúc, Trường CĐ Công nghiệp Huế, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long... Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt trên 90% và mô hình sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Cũng theo ông Đỗ Văn Giang, lợi thế của Chương trình 9+ so với các chương trình khác là trong vòng 2-3 năm, học sinh vừa được học chương trình THPT vừa được đào tạo nghề phù hợp với khả năng của mình và khi tốt nghiệp có cùng lúc hai bằng: THPT quốc gia và Trung cấp chính quy để gia nhập thị trường lao động ngay với các nghề: Công nghệ - thông tin, Nấu ăn, Chăm sóc sắc đẹp, Kế toán, Khách sạn - Du lịch... Sau đó, các em có thể tiếp tục học tiếp lên Cao đẳng, Đại học nếu có nhu cầu.
Đứng ở góc độ đào tạo, thầy Lê Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng Trường trung cấp Công nghệ Thăng Long cho rằng, quan niệm học sinh “dốt” mới vừa học văn hóa, vừa học nghề đã “xưa” rồi. Hiện nhà trường đang mở mô hình 9+ chuyên ngữ gắn với nghề. Theo đó, học sinh học 7 môn văn hóa bắt buộc để thi tốt nghiệp THPT quốc gia, đồng thời được lựa chọn các nghề yêu thích và sẽ học ngoại ngữ chuyên sâu xoay quanh các chuyên ngành này.
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động đòi hỏi người công nhân kỹ thuật phải có tay nghề cao. Chương trình 9+ chính là một cách giải nhanh bài toán thiếu hụt lao động được đào tạo chuyên môn sâu hiện nay. Đồng thời, với phương pháp dạy thực hành là chủ yếu, học viên sau khi tốt nghiệp sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng, bao gồm cả kỹ năng nghề và các kỹ năng mềm.
HOA LAN